Cần thúc đẩy thương mại điện tử

08:33 - Thứ Tư, 27/05/2020 Lượt xem: 8517 In bài viết

ĐBP - Doanh nghiệp tư nhân Tiến Lợi chuyên kinh doanh, buôn bán các mặt hàng điện tử, thiết bị máy tính, là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng thương mại điện tử. Ðến nay doanh nghiệp đã bước đầu “gặt hái” được thành công nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ kinh doanh. Website thương mại điện tử của công ty được thành lập đã giới thiệu, quảng bá sản phẩm giúp doanh nghiệp bán hàng dễ dàng mà không tốn nhiều nhân lực. Với doanh thu bán hàng qua website chiếm khoảng hơn 10% tổng doanh thu thì chưa phải mức cao, song đây là kết quả bước đầu đáng khích lệ để doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Hiện nay doanh nghiệp đang đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp trang mua sắm online cũng như cải thiện thời gian giao hàng cho khách để thu hút nhiều khách hàng hơn.

Nhiều người dân vẫn thanh toán bằng tiền mặt khi mua hàng tại Siêu thị Hoa Ba. Ảnh: Thành Ðạt

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, áp dụng linh hoạt nhiều hình thức trong thanh toán tiền điện, giảm thời gian đi nộp và thu tiền điện của bên mua và bên bán, những năm qua Công ty Ðiện lực Ðiện Biên đã đa dạng hóa các hình thức thanh toán tiền điện thông qua các ngân hàng và đối tác Viettel qua dịch vụ trả tiền điện tử Bankplus. Hàng tháng, Công ty Ðiện lực Ðiện Biên sẽ thông báo số điện đã sử dụng và số tiền phải trả đến khách hàng sử dụng điện qua tin nhắn (ngay khi thực hiện ghi điện). Ngân hàng sẽ tự động trừ tiền nếu khách hàng đăng ký dịch vụ trích nợ tự động hoặc chỉ cần vài thao tác đơn giản qua Internet banking, khách hàng có thể thanh toán tiền điện cho gia đình mình ở mọi lúc, mọi nơi. Ðến nay, Công ty Ðiện lực Ðiện Biên đã xây dựng thành công hệ thống thu tiền điện bằng hệ thống máy Pos, giúp cho khách hàng thanh toán tiền điện nhanh chóng, thuận tiện; giúp cho công tác quản lý và theo dõi nợ nắm được chính xác số khách hàng đã thanh toán tiền điện theo thời gian. Bên cạnh đó, khi có cắt điện theo kế hoạch, hoặc lưới điện bị sự cố, Công ty sẽ gửi tin nhắn SMS thông báo tới khách hàng kịp thời.

Thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, đến nay cơ bản các mục tiêu đề ra đã đạt và vượt. Nếu như giai đoạn trước năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 35% doanh nghiệp tiến hành giao dịch thương mại điện tử thì đến nay 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin; 20% doanh nghiệp xây dựng website riêng, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp. Hầu hết các siêu thị, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thanh toán bằng thẻ, người tiêu dùng sử dụng thẻ để thanh toán ngày càng phổ biến. 40% các siêu thị, trung tâm thương mại; đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử… Hiện nay còn 2 mục tiêu kế hoạch chưa đạt, gồm: 500 lượt cán bộ quản lý Nhà nước và doanh nghiệp được tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn về thương mại điện tử và chỉ tiêu sử dụng website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Trịnh Huy Ðông, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Mặc dù đã có những chuyển biến khá tích cực nhưng hiện nay thương mại điện tử vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ không chỉ với các doanh nghiệp, cá thể kinh doanh mà còn với hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh. Nhận thức về thương mại điện tử khá hẹp, thói quen giao dịch truyền thống vẫn là chủ yếu. Thêm vào đó, nguồn nhân lực thương mại điện tử trong các các doanh nghiệp hiện vẫn còn hạn chế, đội ngũ cán bộ chuyên trách thương mại điện tử còn thiếu, trên địa bàn tỉnh không có trường đào tạo thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm việc ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, một số ít các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm viễn thông và sản phẩm nội dung số đã xây dựng website thương mại điện tử phục vụ cho hoạt động kinh doanh nhưng chỉ ở mức công bố giá bán sản phẩm, dịch vụ, thông tin so sánh sản phẩm, phương thức giao nhận hàng. Còn chức năng thanh toán trực tuyến phần lớn vẫn áp dụng phương thức thanh toán truyền thống là tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng. Ðến nay, toàn tỉnh mới có 15 doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử.

Theo xếp hạng đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đến hết năm 2019, chỉ số thương mại điện tử tỉnh Ðiện Biên vẫn chưa nằm trong bảng xếp hạng của cả nước. Vì vậy, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, thời gian tới các cấp, ngành liên quan cần vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn; tăng cường hỗ trợ tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng, năng lực cạnh tranh của tỉnh nói chung.

Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top