Khó xử lý vi phạm hàng hóa ở vùng cao Ðiện Biên Ðông

08:59 - Thứ Tư, 27/05/2020 Lượt xem: 7354 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông (nay là Ðội Quản lý thị trường số 3, phụ trách địa bàn 2 huyện Ðiện Biên và Ðiện Biên Ðông) không chỉ gặp khó khăn trong công tác QLTT bởi địa bàn rộng, lực lượng mỏng, thủ đoạn của các đối tượng gian lận thương mại ngày càng tinh vi mà còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định hàng hóa vi phạm và xử phạt đối với các hộ kinh doanh tại vùng cao.

Tổ công tác của Ðội Quản lý thị trường số 3 tại huyện Ðiện Biên Ðông kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng hóa trên địa bàn huyện.

Theo thống kê của Ðội QLTT số 3, riêng địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông có hơn 800 hộ sản xuất, kinh doanh thuộc diện quản lý của QLTT.  Tuy nhiên 1/4 là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ không phép, chủ yếu trên địa bàn các xã, bản vùng cao. Thời gian qua, lực lượng QLTT trên địa bàn huyện đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hộ sản xuất, kinh doanh chân chính.

Ông Lò Văn Âu, Ðội phó Ðội QLTT số 3, phụ trách địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như công tác kiểm tra của lực lượng chức năng hạn chế, chủ yếu kiểm tra đối với các cửa hàng kinh doanh mặt hàng y tế về phòng, chống dịch. Trên địa bàn huyện chỉ có 12 cửa hàng kinh doanh mặt hàng y tế. Qua kiểm tra các cửa hàng này đều chấp hành nghiêm túc các quy định của Chính phủ, không găm hàng, tăng giá đối với các mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ngay sau khi hết quy định giãn cách xã hội, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra, QLTT trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay đã kiểm tra 25 vụ, phát hiện vi phạm và xử lý hành chính 6 vụ và thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 3 triệu đồng. Ðồng thời, phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của huyện kiểm tra 15 vụ, nhắc nhở 4 hộ kinh doanh có dấu hiệu vi phạm các quy định.

Chia sẻ về những khó khăn, ông Lò Văn Âu cho biết: Với lực lượng mỏng gồm 3 người nhưng quản lý địa bàn 14 xã, thị trấn nên việc kiểm tra, phát hiện các đối tượng có hành vi gian lận thương mại gặp khó khăn. Ðặc biệt có những xã đường sá không thể đi lại vào mùa mưa, như: Háng Lìa, Tìa Dình, Pú Hồng thì gần như không thể kiểm tra được. Bên cạnh đó, sau khi phát hiện các hành vi, đối tượng vi phạm thì vấn đề xử lý vi phạm càng khó hơn. Bởi qua kiểm tra, các vi phạm chủ yếu đối với các hộ kinh doanh là hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái. Song quy định về xử phạt áp dụng chung trên cả nước với người dân vùng cao thì lại là mức cao. Ðiển hình, Nghị định 185/2013/NÐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng quy định, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông 1/4 số hộ kinh doanh không có giấy phép, chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ ở vùng cao, nếu xử phạt đúng quy định thì nhiều hộ không đủ tiền nộp phạt. Cũng theo Nghị định 185 có quy định phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa, trừ thuốc bảo vệ thực vật; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng. Trong khi đó, hộ kinh doanh trên địa bàn các xã, bản vùng cao chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ, các mặt hàng chủ yếu mắm muối, mì chính, dầu ăn, với mức xử phạt như vậy sẽ khó cho người kinh doanh cũng như lực lượng QLTT.

Mức xử phạt như vậy với người dân vùng cao là số tiền rất lớn. Nếu xử lý thì rất khó cho người dân, thậm chí người dân không có tiền để nộp phạt, còn nếu không xử lý thì không đúng theo quy định” - Ông Âu chia sẻ.

Chị Mùa Thị Dinh, chủ cửa hàng kinh doanh hàng tạp hóa bản Nà Sản B, xã Xa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông) cho biết: Gọi là cửa hàng, nhưng chỉ có vài mặt hàng thông dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu người dân trong bản. Mỗi lần chúng tôi nhập về một ít, có khi cả năm chưa bán hết, vì vậy ít khi để ý đến nhãn mác, hạn sử dụng, chỉ biết nhập về và bán. Nếu chẳng may hàng hóa hết hạn sử dụng mà bị xử phạt theo quy định thì không đủ tiền nộp và không dám bán hàng nữa.

Bên cạnh đó, hiện nay lực lượng QLTT gặp khá nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình xử lý các vụ việc do phải áp dụng đồng thời nhiều văn bản quản lý Nhà nước thuộc các lĩnh vực, ngành khác nhau. Trong khi hành vi vi phạm hành chính được mô tả trong các văn bản này lại chưa rõ ràng, cụ thể. Cùng một loại hàng hóa nhưng lại chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quản lý Nhà nước khác nhau của các bộ, ngành khác nhau... Ðiều này đồng thời cũng tạo ra những kẽ hở cho người vi phạm cố tình lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm hành chính nhằm thu lợi bất hợp pháp. Hoặc có những vụ việc có quy định nhưng chế tài để xử phạt lại không có. Ðiều này dẫn đến công tác xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực thi.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top