Chủ động phòng trừ sâu keo mùa thu trên cây ngô

08:47 - Thứ Sáu, 29/05/2020 Lượt xem: 8558 In bài viết

ĐBP - Vụ xuân - hè năm nay, huyện Nậm Pồ gieo trồng hơn 1.711,5ha ngô. Hiện nay, trên địa bàn xảy ra tình trạng sâu keo mùa thu gây hại trên diện tích ngô gieo trồng sớm. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, sâu keo mùa thu xuất hiện từ trung tuần tháng 4 vừa qua trên địa bàn 6 xã với diện tích điều tra phát hiện 24,5ha (trong đó, xã Vàng Ðán 9ha; Si Pa Phìn 2ha; Chà Tở 6ha; Pa Tần 2,5ha; Nậm Khăn 2ha và xã Chà Nưa 3ha). Mật độ trung bình 2 con/m2, cao 5 con/m2, tuổi 1 - 5, phổ biến ở tuổi  4 - 5.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ kiểm tra tình hình gây hại của sâu keo mùa thu trên cây ngô tại bản Tân Lập (xã Si Pa Phìn).

Anh Lò Văn Hiệp, người dân xã Si Pa Phìn cho biết: Phát hiện trên cây ngô có loài sâu gây hại, tôi báo lên UBND xã. Xã đã cử cán bộ khuyến nông phối hợp với trưởng các bản rà soát, kiểm tra cánh đồng trồng ngô; đồng thời, hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ. Thực hiện phòng trừ theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn huyện cũng như trên bao bì thuốc, gia đình tôi tiến hành phun 3 lần thuốc nên sâu bệnh đã giảm. Chỉ có cách phun sớm ngay khi phát hiện sâu, chụm vòi phun vào ngọn ngô mới có tác dụng hoặc xử lý theo hình thức tách ngọn bắt sâu mới hiệu quả.

Ông Phạm Trần Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ cho biết: Nhận được phản ánh của người dân và UBND các xã về tình trạng xuất hiện sâu keo mùa thu, Trung tâm đã cử cán bộ chuyên môn xuống bãi để kiểm tra; triển khai hướng dẫn phun trừ 23,5ha. Nhờ triển khai kịp thời, hiệu quả nên đã ngăn chặn làm giảm sâu hại lây lan ra diện rộng. Ngoài ra, Trung tâm đã chủ động tham mưu cho UBND huyện điều tra phát hiện ngăn chặn chủ động phòng trừ sâu keo mùa thu trên cây ngô. Từ đó đến nay đã thực hiện 8 đợt điều tra phát hiện sâu keo, 2 đợt hướng dẫn chỉ đạo phun trừ trên các diện tích ngô xuất hiện sâu keo mùa thu.

Hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp nắng mưa xen kẽ, cây ngô bước sang giai đoạn mẫn cảm với sinh vật hại do vậy UBND các xã và người dân cần tăng cường công tác phối hợp điều tra phát hiện, phòng trừ kịp thời, hiệu quả khi phát hiện sâu hại. Thường xuyên kiểm tra theo dõi diễn biến tình hình sâu keo mùa thu trên cây ngô đang trong giai đoạn sinh trưởng 5 - 7 lá bởi vì theo quy luật phát sinh phát triển cũng như qua công tác điều tra trên thực tế sâu keo mùa thu thường xuất hiện trong giai đoạn này. Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp phòng trừ: Thủ công (làm đất, vệ sinh nương bãi trước khi gieo trồng, chăm sóc làm cỏ, bẫy đèn, ngắt ổ trứng...); các biện pháp hóa học (những nơi mật độ sâu từ 3 - 20 con/m2 sử dụng luân phiên thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên thuốc có hoạt chất sinh học; những nơi sâu tập trung có mật độ cao, theo đàn, sử dụng hỗn hợp thuốc có hoạt chất sinh học với thuốc có hoạt chất Cypermethrin để khống chế, giảm mật độ. Người dân nên phun trừ vào sáng sớm hoặc chiều mát, phun tập trung vào bộ phận sâu gây hại, nách lá ngô, nõn ngô và phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. Sau khi phun trừ 7 - 10 ngày phải tiến hành kiểm tra lại, nếu mật độ sâu còn thì tiến hành phun nhắc lại lần 2…

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top