Mở hướng phát triển nghề thủy sản

09:04 - Thứ Sáu, 29/05/2020 Lượt xem: 7429 In bài viết

ĐBP - Lớp đào tạo nghề kỹ thuật nuôi cá nước ngọt cho nông dân xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức vào đầu tháng 5 vừa qua trong sự phấn khởi, với hi vọng mở hướng nuôi thủy sản hàng hóa cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Nói như vậy là bởi trước đây những người học nghề này ít nhiều đã gắn bó với công việc nuôi tôm, cá nhưng năng suất không như mong muốn, chưa thể trông vào nghề nuôi thủy sản để phát triển kinh tế bền vững.

Cán bộ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) khảo sát ao chọn làm mô hình thực hành trong quá trình đào tạo kỹ thuật nuôi cá nước ngọt ở xã Thanh An (huyện Ðiện Biên).

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình ao nuôi cá của khá nhiều hộ là học viên của lớp đào tạo nghề kỹ thuật nuôi thủy sản, ông Lò Văn Ninh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh An cho biết: Ngoài diện tích mặt nước do một nhóm người dân trên địa bàn thuê lại của xã thì phần lớn diện tích mặt nước ao của các hộ trong xã không quá rộng, trung bình từ 1.200 - 2.500m2/ao. Nhiều năm qua bà con đã chủ động đưa các loại giống thủy sản, như: Cá trắm, chép, trê lai, rô phi đơn tính, mè; tôm các loại vào nuôi, thường 7 - 8 tháng mới được thu hoạch một lần. Một số gia đình đầu tư thức ăn tốt hơn, tích cực vệ sinh ao hồ thì cũng phải nửa năm mới cho thu hoạch (tùy từng loại). Do chủ yếu nuôi thủy sản bằng kinh nghiệm là chính nên cá thường chậm lớn, nhiều ao nuôi cá hay mắc bệnh. Cũng khoảng này năm trước, nắng nóng kéo dài đã làm cá nuôi của một số gia đình chết hàng loạt, phải đem bán đổ cho tư thương nên không thu được là bao. Chính vì vậy, khi có thông báo lớp đào tạo kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, nhiều hộ trên địa bàn đăng ký tham gia với mong muốn sau khi học nghề có kiến thức để áp dụng phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa, đem lại hiệu quả cao hơn, phát triển thế mạnh sẵn có của địa phương.

Là học viên khá lớn tuổi, ông Lù Văn Phiêng (bản Noong Ứng) cho biết: Gia đình tôi nuôi cá đã chục năm nay. Diện tích ao khoảng 2.000m2; nuôi chủ yếu các loại cá trắm, chép, rô phi đơn tính; nhưng cá chậm lớn, thường hay bị bệnh nên sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn thì cả năm cũng chỉ thu được chục triệu đồng. Vì vậy, tôi muốn học nghề để có kiến thức mở rộng quy mô nuôi thả, tăng thu nhập từ nghề nuôi tôm, cá. Học nghề chúng tôi được cung cấp nhiều kiến thức lựa chọn con giống, đặc điểm của một số loại cá cũng như cách phát hiện sớm một số loại bệnh thông thường ở cá nước ngọt và biện pháp phòng trừ dịch bệnh xuất hiện ở cá.

Có thâm niên gắn bó với công tác giảng dạy nghề nông nghiệp cho nông dân, anh Trịnh Văn Toàn, giảng viên lớp đào tạo nghề kỹ thuật nuôi cá nước ngọt cho biết: Do học viên tham gia lớp học đều có diện tích ao nuôi và đã nuôi cá nên để giúp học viên dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng, trong quá trình học lý thuyết chúng tôi đan xen liên hệ với các mô hình nuôi của gia đình học viên. Dành thời lượng học thực hành nhiều hơn để học viên trao đổi kiến thức, áp dụng qua mô hình học và diện tích ao nuôi thủy sản của gia đình. Trên địa bàn chủ yếu là các ao nuôi cá thương phẩm chứ không nhiều ao nuôi cá giống, bà con phải vận chuyển giống từ nơi khác về. Giúp người dân chủ động hơn trong tạo nguồn con giống, chúng tôi chú trọng cung cấp kiến thức về kỹ thuật ương nuôi và vận chuyển cá giống cho học viên rồi trao đổi kiến thức, kỹ thuật nuôi cá thương phẩm; cách phòng và trị bệnh cho cá... Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi cũng quan tâm nhiều hơn tới việc trao đổi thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm để người nuôi có thêm kiến thức lựa chọn con giống, thời điểm nuôi thích hợp khi khai thác bán giá cao hơn, đem lại thu nhập tốt hơn. Và mục tiêu cao nhất của khóa đào tạo đó là giúp nông dân có khả năng tự tạo việc làm, tăng năng suất trên diện tích nuôi trồng thủy sản.

Thanh An là xã thuần nông của huyện Ðiện Biên, nhiều năm qua nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Và học nghề nông nghiệp trong đó có nghề nuôi cá nước ngọt được cấp ủy, chính quyền xã xác định là một trong những hướng đi giúp bà con có kiến thức, kỹ năng để áp dụng vào sản xuất, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top