Nông dân Tuần Giáo e dè tái đàn lợn

08:41 - Thứ Tư, 24/06/2020 Lượt xem: 7422 In bài viết

ĐBP - Sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế, UBND huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện kế hoạch tái đàn lợn. Ðến thời điểm này, các hộ chăn nuôi đã bắt đầu tái đàn lợn nhưng không ít người băn khoăn về việc tái đàn vào thời điểm này liệu có bảo đảm an toàn và đem lại hiệu quả.

Người dân Tuần Giáo chăm sóc đàn lợn.

Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Tuần Giáo, với tổng số lợn tiêu hủy là 11.155 con, tổng trọng lượng là 58.550kg. Tính đến hết tháng 4/2020, tổng đàn lợn toàn huyện có hơn 65.720 con. So với năm 2018, tổng đàn lợn và sản lượng thịt hơi xuất chuồng giảm, ảnh hưởng tới nguồn cung thịt lợn trên địa bàn huyện. Hiện nay, sản lượng thịt hơi trên địa bàn huyện chưa đáp ứng nhu cầu, phần lớn được nhập từ các tỉnh thành khác về. Tính đến thời điểm hiện tại, việc tái đàn, tăng đàn đang được huyện Tuần Giáo khuyến khích đẩy mạnh sau khi dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đã được khống chế. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát tại một số địa phương ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Nội... Do vậy đã làm khan hiếm nguồn lợn giống, giá lợn giống đắt gấp 2 - 3 lần so với thời điểm trước dịch và còn khan hiếm nên người chăn nuôi gặp không ít khó khăn.

Gia đình chị Quàng Thị Lan ở khối Sơn Thủy, thị trấn Tuần Giáo, sau một thời gian tạm dừng nuôi lợn do dịch, hiện gia đình chị cũng đã tái đầu tư chăn nuôi. Chị Lan chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi mỗi năm nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa khoảng 50 con, dù không bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi nhưng thời gian gần đây gia đình tôi phải giãn lứa, như trước kia cứ xuất chuồng lứa lợn này thì gia đình mua lứa khác gối ngay. Nhưng từ khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại địa bàn các xã, tôi không chăn nuôi ngay mà để trống chuồng. Ðến đầu năm 2020, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, gia đình tôi mới đầu tư chăn nuôi trở lại”.

Tuy nhiên do tâm lý còn lo ngại dịch tả lợn châu Phi sẽ quay lại nên chị Lan đã giảm số lượng nuôi xuống. Hiện trong chuồng chăn nuôi nhà chị có 13 con giống từ lợn nái của gia đình, để giảm rủi ro do nuôi lợn chị đã nuôi thêm gà để tăng thu nhập.

Tìm hiểu thực tế tại các địa phương trong huyện, khó khăn nhất trong việc tái đàn lợn hiện nay là con giống đắt và khan hiếm. Ở xã Chiềng Sinh, số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn xã chiếm tỷ lệ cao, do đó, dù dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền cho bà con đẩy mạnh tái đàn, tuy nhiên người dân vẫn còn e dè. Hiện nay, lợn giống ngoại siêu nạc khoảng 8kg có giá từ 3,3 - 3,4 triệu đồng/con; lợn lai có giá khoảng 2,7 triệu đồng/con; giống lợn đen địa phương có giá từ 1,6 - 1,8 triệu đồng/con 5kg. Giá lợn giống đắt nhưng cũng không sẵn con giống để mua và do tâm lý người dân vẫn còn e dè dịch tả lợn châu Phi sẽ quay trở lại.

Trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, gia đình bà Ngô Thị Nùn, bản Ta Cơn, xã Chiềng Sinh vẫn duy trì nuôi từ 15 - 20 con lợn, khi dịch bùng phát, gia đình bà đã không duy trì đàn lợn. Bà Nùn cho biết: “Gia đình tôi cũng muốn tái đàn nhưng vì lo ngại dịch tả lợn châu Phi quay lại và thời điểm điểm này giá lợn giống cao nên tôi vẫn chưa thể tiếp tục tái đàn”. Vì vậy chuồng của gia đình bà bỏ không đến nay đã hơn một năm.

Việc tái đàn lợn không chỉ khó khăn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà các cơ sở chăn nuôi tập trung cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi đã làm giảm đàn lợn nái trên địa bàn huyện, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất lợn giống. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các trang trại, người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, phát triển đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Các tổ chức tín dụng cần có chính sách ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

            Bài, ảnh: Lường Phượng

(Trung tâm VH - TT - TH Tuần Giáo)

Bình luận
Back To Top