Thêm nguồn lực để Mường Nhé phát triển

08:59 - Thứ Sáu, 03/07/2020 Lượt xem: 6572 In bài viết

ĐBP - Là huyện vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, nhờ được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ đã tạo tiền đề để Mường Nhé phát triển về mọi mặt, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Từ đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đem lại diện mạo nông thôn mới cho các vùng đặc biệt khó khăn.

Cán bộ xã Leng Su Sìn trao ngô giống hỗ trợ người dân phát triển sản xuất.

Khó khăn nhiều, nhưng vài năm trở lại đây với sự hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án nên đời sống nhân dân xã Sen Thượng đổi thay rõ rệt. Ông Chang Phạ Giá, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng cho biết: Ðể hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức trong sản xuất thì các chương trình, dự án hỗ trợ, đặc biệt là nguồn vốn từ Nghị quyết 30a như “phao” cứu sinh. Nó đã tạo sinh kế để hộ nghèo, cận nghèo xã Sen Thượng có thêm tư liệu sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế mới. Từ năm 2019 đến nay, nguồn vốn Nghị quyết 30a đã hỗ trợ cây, con giống phục vụ sản xuất với tổng kinh phí 328 triệu; hỗ trợ bò sinh sản cho 4 gia đình, trị giá 45 triệu đồng, góp phần giúp người dân ổn canh, ổn cư, yên tâm xây dựng và phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Cà Văn Lả, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé cho biết: Trong 12 năm (2008 - 2020), tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ huyện Mường Nhé triển khai thực hiện Nghị quyết 30a là 482,255 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 362,700 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 119,555 tỷ đồng). Xác định triển khai hiệu quả Nghị quyết 30a của Chính phủ là cơ hội, tiền đề vững chắc để nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo bền vững. Vì thế, ngay từ khi triển khai, Ban chỉ đạo Nghị quyết 30a huyện đã huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hạng mục hỗ trợ từ Nghị quyết 30a. Giai đoạn 2009 - 2015, huyện Mường Nhé đã triển khai khoanh nuôi, bảo vệ rừng và giao khoán 29.729,7ha cho 3.617 hộ dân, với tổng kinh phí trên 12,5 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến nay, diện tích giao khoán được chuyển sang chi trả dịch vụ môi trường rừng. Giai đoạn 2009 - 2019, thực hiện chính sách hỗ trợ khai hoang mới, phục hóa, tạo ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp, huyện Mường Nhé đã hỗ trợ 1.804 hộ, tổng kinh phí 5,315 tỷ đồng, khai hoang 474,66ha; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho 24.333 lượt hộ với tổng kinh phí gần 62 tỷ đồng.

Ðặc biệt, trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, từ 2009 đến nay, Mường Nhé đã đầu tư 47 công trình với tổng số vốn gần 346 tỷ đồng (15 công trình giao thông; 10 công trình nước sinh hoạt; 9 trường học...). Hiện huyện đã và đang tập trung đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Các công trình được đầu tư đã mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ lợi ích trực tiếp cho nhân dân, nâng cao dân trí, phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa. Ðặc biệt, các công trình thủy lợi được xây dựng đã giúp người dân chủ động canh tác, nâng cao năng suất cây trồng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương. Hiện nay, 80% đường giao thông từ huyện đến trung tâm xã được trải nhựa, 100% xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 85%.

Có thể thấy, sau 12 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a trên địa bàn huyện Mường Nhé đã tạo những bước chuyển tích cực để huyện phát triển. Ðặc biệt, nhờ các giải pháp đồng bộ và cách làm sáng tạo đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân, từ tư tưởng trông chờ, ỷ nại vào cơ chế chính sách của Nhà nước, chuyển sang chủ động thực hiện. Từ đó, góp phần đưa huyện Mường Nhé đạt mục tiêu về giảm nghèo (bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo 3 - 5%/năm); tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 74,02% đến năm 2020 giảm còn 62,43%.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top