Ðể nông sản nội tỉnh lên kệ siêu thị, hệ thống bán lẻ

08:38 - Thứ Tư, 08/07/2020 Lượt xem: 5789 In bài viết

ĐBP - Toàn tỉnh hiện có 19 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm sản an toàn; 3 siêu thị lớn và nhiều cửa hàng phân phối, bán hàng. Tuy nhiên, sản phẩm nông sản trên hệ thống bán lẻ và siêu thị chủ yếu là nhập từ nơi khác về, có rất ít nông sản nội tỉnh được bày bán tại các cơ sở này.

Khách hàng mua nông sản tại Siêu thị Hoa Ba.

Chị Hoàng Thị Ly, nhân viên truyền thông Siêu thị Hoa Ba cho biết: Hầu hết nông sản được bày bán tại siêu thị đều nhập từ nơi khác về như: Rau, củ, quả (Ðà Lạt); rau VietGAP Yên Dũng (Bắc Giang); rau VietGAP Mộc Châu (Sơn La); nấm sạch của Công ty Nấm Việt. Doanh nghiệp chủ quản Siêu thị là Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại dịch vụ Hoa Ba cũng tự sản xuất được một số loại rau như: Xà lách, rau cải, rau muống bằng phương pháp trồng thủy canh để đưa vào Siêu thị nhưng số lượng còn hạn chế. Siêu thị vẫn tìm thêm nhiều nguồn hàng nông sản sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ đặc biệt ưu tiên trên địa bàn tỉnh để đưa vào siêu thị song đến nay chỉ có 4 sản phẩm nội tỉnh là: Măng tây Toàn Thắng, chanh leo tím Nà Tấu; bí và khoai sọ Ðiện Biên Ðông. Siêu thị đã liên hệ với các hợp tác xã trong tỉnh để mời đưa hàng đến siêu thị, nhưng do lượng hàng cung ứng ít, không ổn định nên rất ít đơn vị cung cấp sản phẩm. Hàng nông sản nhập vào siêu thị phải đảm bảo có tem mác rõ nguồn gốc xuất xứ; mã để truy xuất nguồn gốc và giá bán bình ổn theo giá chung của thị trường. Mặc dù cơ chế của siêu thị không quá gắt gao, chấp nhận mùa nào thức ấy song rất ít đơn vị trong tỉnh đáp ứng được.

Ðối với một số hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã thực hiện theo mô hình khép kín, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống bán lẻ. Ðiển hình như Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Ðiện Biên có Siêu thị Tâm Ðỏ; Công ty TNHH SafeGreen có chuỗi cửa hàng phân phối tại TP. Ðiện Biên Phủ... chuyên bán các sản phẩm rau an toàn tự sản xuất. Song tại các cửa hàng phân phối này do số lượng còn hạn chế trong khi nhiều nông sản nội tỉnh lại chưa đáp ứng được các yêu cầu nên để đa dạng về hàng hóa các cửa hàng vẫn phải nhập từ ngoại tỉnh.

Hiện nay đa phần nông sản nội tỉnh vẫn tiêu thụ tại các chợ truyền thống. Chị Nguyễn Thị Cúc, đội 3, xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) cho biết: Gia đình tôi có 2.000m2 trồng cà chua, rau các loại theo phương pháp an toàn sinh học mà cán bộ nông nghiệp hướng dẫn. Sản phẩm đảm bảo sạch, an toàn tuy nhiên chủ yếu là thương lái vào mua để bán ở các chợ bởi gia đình tôi không tham gia hợp tác xã hay liên kết với doanh nghiệp nào để tiêu thụ sản phẩm.

Mặc dù thực hiện quy trình sản xuất an toàn nhưng quy mô sản xuất nhỏ như gia đình chị Cúc thì sản phẩm chủ yếu cung cấp cho chợ truyền thống, còn đối với một số hợp tác xã, tổ chức mới liên kết sản xuất, sản lượng còn hạn chế nên cũng chưa cung cấp được cho các siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Tương tự, Hợp tác xã H’Mông (huyện Tủa Chùa) đã liên kết với 90 hộ dân ở xã Trung Thu chuyển đổi 23,8ha nương lúa, ngô sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên do mới triển khai, sản lượng còn hạn chế nên hợp tác xã hiện chỉ đủ sản lượng ký hợp đồng tiêu thụ với các nhà trường, các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện.

Ðể mở đường cho nông sản an toàn của tỉnh vào các siêu thị, tiếp cận hệ thống phân phối lớn cần các giải pháp đồng bộ. Trước hết là tuyên truyền, vận động sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm; quy hoạch vùng sản xuất an toàn tập trung. Ngành chức năng rà soát, cung cấp danh sách doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, an toàn cho các đơn vị phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm để kết nối, hợp tác.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top