Nâng cao chất lượng chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản

08:44 - Thứ Năm, 16/07/2020 Lượt xem: 7042 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia, đặc biệt đối với nông dân, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất. Song, thực tế hiện nay, việc liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, khiến cho việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản còn khó khăn.

Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green là một trong các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Ðại diện Công ty quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.

Thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua, nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hình thành, giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng và xác nhận 20 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tuy nhiên chỉ có 17 chuỗi hoạt động) với rau, quả, chè, cà phê, thịt trâu, bò khô, bánh khẩu xén, gạo, dứa... Trong đó, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh, phân phối, sở hữu, quản lý toàn bộ chuỗi chiếm 36,8% và do liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi chiếm 63,2%. Bước đầu, các chuỗi đã tạo chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước phát huy thế mạnh, lợi thế của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường; nhiều hộ gia đình đã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa.

Song, trên thực tế hiện nay, việc liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn nhiều “nút thắt”. Quá trình xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, toàn tỉnh đã xây dựng và chứng nhận 20 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên có 3 chuỗi cung ứng sản phẩm bí xanh, khoai sọ của Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm an toàn Hoa Ban và Chuỗi cung ứng rau củ quả an toàn của cơ sở Hoàng Thái Sơn đến nay đã ngừng hoạt động và bị thu hồi chứng nhận. Ðiển hình là 2 chuỗi cung ứng sản phẩm bí xanh (xã Tìa Dình), khoai sọ (xã Phì Nhừ) trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông của Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm an toàn Hoa Ban đã ngừng hoạt động trong đầu năm nay. Theo đó, 2 chuỗi cung ứng này được cấp giấy chứng nhận chuỗi liên kết năm 2018 giữa các hộ dân với Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm an toàn Hoa Ban; sản lượng cung ứng ra thị trường trung bình mỗi chuỗi khoảng 100 tấn/năm. Ðại diện Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm an toàn Hoa Ban đưa ra lý do ngừng hoạt động do việc thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa Công ty và các hộ dân gặp một số khó khăn trong việc vận chuyển, bảo quản sản phẩm còn hạn chế, gây hao hụt. Bởi đây là sản phẩm củ, quả vì vậy nếu khi thu hoạch không đúng thời điểm, thời tiết sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Việc bảo quản của người dân sau khi thu hoạch chưa được tốt, bảo quản thủ công, thô sơ. Bên cạnh đó, người nông dân tham gia các chuỗi liên kết trên chưa đầu tư để nâng cao chất lượng và sản lượng, dẫn đến không ổn định, năm được mùa, năm mất mùa.

Không chỉ không xây dựng và duy trì ổn định các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn mà trên thực tế trong số 17 chuỗi hiện đang hoạt động thì nhiều chuỗi hoạt động chưa hiệu quả, sản phẩm tiêu thụ chậm, thị trường tiêu thụ hẹp. Ðơn cử, hiện nay trên địa bàn huyện Mường Chà có 2 hợp tác xã được chứng nhận sản xuất dứa theo tiêu chuẩn VietGAP, gồm: Hợp tác xã dứa Na Sang với 63ha và hợp tác xã dứa Sa Lông với diện tích 24ha. Trong đó, hợp tác xã dứa Na Sang được cấp giấy chứng nhận chuỗi cung ứng sản phẩm dứa an toàn với 38 hộ trồng dứa tham gia vào quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trước đây, dứa của hợp tác xã được các thương lái thu mua tập trung với số lượng lớn để chuyển đi các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội tiêu thụ. Thế nhưng vài năm gần đây, đặc biệt từ năm 2019, lượng dứa tiêu thụ rất ít và gần như chỉ tiêu thụ nội tỉnh bởi nguồn cung nhiều, trong khi sức tiêu thụ thấp.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh, tỷ lệ sản lượng sản phẩm chuỗi rủi ro cao, an toàn thực phẩm được kiểm soát theo chuỗi thấp do thực tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu theo hình thức hộ gia đình nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh nông sản chủ yếu tại các chợ tạm, hệ thống các cơ sở kinh doanh không cố định, việc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ít, thiếu sự liên kết. Tỷ lệ đạt khoảng 2% tổng sản lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực, có mức độ rủi ro cao; riêng đối với sản lượng chè cây cao được kiểm soát theo chuỗi khoảng 50% tổng sản lượng; cá hồi, cá tầm khoảng 50% tổng sản lượng. Vì vậy, số chuỗi (thực tế hiện hoạt động 17) và số điểm bán các sản phẩm chỉ có 13 điểm bán.

Nguyên nhân, do sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ; trình độ của người sản xuất thấp, nhiều vùng còn lạc hậu nên khó khăn trong việc thực hiện các quy định chung, thiếu gắn kết giữa các hộ sản xuất cũng như giữa người sản xuất với người kinh doanh, gây khó khăn trong xây dựng chuỗi. Một số cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn chưa chủ động được nguồn cung cấp thực phẩm, nhất là các chuỗi rau an toàn, sản lượng không ổn định. Một số sản phẩm chuỗi đầu ra chưa ổn định nên không khuyến khích được người sản xuất đầu tư phát triển. Tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, việc mở rộng thị trường các tỉnh còn hạn chế. Nhu cầu người tiêu dùng về sản phẩm xác nhận an toàn trên địa bàn chưa cao, do giá sản phẩm được xác nhận thường cao hơn sản phẩm chưa có xác nhận và người tiêu dùng chưa thực sự hiểu và tin vào sản phẩm xác nhận chuỗi. Bên cạnh đó, sự tham gia “4 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học) vào quá trình liên kết chưa toàn diện, nhiều mô hình sản xuất chưa có sự tham gia đầy đủ, phối hợp chặt chẽ của các bên. Một số người dân, doanh nghiệp chưa tiếp cận đầy đủ thông tin khoa học - kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, thị trường nông sản, chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Chính phủ, các nguồn vốn ưu đãi để phát triển nông nghiệp... dẫn đến đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, kinh phí cho việc thực hiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản rất hạn hẹp. Chưa có kinh phí hỗ trợ cho việc phát triển các chuỗi nông sản an toàn.

Thu Phương
Bình luận
Back To Top