Điện Biên chưa khai thác tốt tiềm năng thương mại điện tử

10:55 - Thứ Năm, 16/07/2020 Lượt xem: 10212 In bài viết

ĐBP - Thương mại điện tử (TMĐT) là một công cụ, phương tiện góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng quản lý các hoạt động liên quan đến TMĐT là nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Người tiêu dùng tìm kiếm thông tin và sản phẩm thông qua website của doanh nghiệp.

Cùng với sự phát triển không ngừng của hạ tầng công nghệ thông tin, hiện nay các doanh nghiệp đều sử dụng internet, giao dịch bằng email trong công việc, sử dụng phầm mềm kế toán để quản lý tài chính. Tuy nhiên việc quảng cáo, giao dịch qua website chưa được các doanh nghiệp trong tỉnh tận dụng như một kênh kinh doanh hiệu quả. Một số doanh nghiệp sử dụng website chủ yếu giới thiệu hoạt động của công ty, sản phẩm sản xuất kinh doanh thuần tuý. Trong khi đó, kỹ năng quản trị và vận hành website còn hạn chế, đây cũng chính là rào cản khiến các doanh nghiệp chưa mạnh dạn xây dựng website riêng.

Trên thực tế, để có thể vận dụng thành thạo những ứng dụng công nghệ thông tin khi tiến hành các giao dịch điện tử thì nguồn nhân lực phục vụ cho TMĐT phải đáp ứng yêu cầu cao về chuyên môn như: Hiểu rõ các thao tác kỹ thuật, những quy định và nguyên tắc thực hiện kinh doanh trực tuyến; nắm vững những vấn đề liên quan tới thương mại, công nghệ thông tin và truyền thông; đồng thời phải thường xuyên cập nhật công nghệ mới, nắm bắt những cơ hội kinh doanh mới trong TMĐT… 

Theo ông Trịnh Huy Ðông, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: TMĐT là lĩnh vực mới, trong khi đó nguồn nhân lực của địa phương còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Để phát triển TMĐT hiệu quả thì điều kiện tiên quyết chính là đội ngũ cán bộ, lao động thực hiện công tác này. Do vậy, công tác đào tạo, huấn luyện cần phải được tăng cường nhằm bổ sung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ứng dụng TMĐT trong các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển TMĐT, đặc biệt tăng cường các chương trình đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực ứng dụng TMĐT cho các đơn vị trên địa bàn. Triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020, theo chỉ đạo của Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử - Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức 04 lớp tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh với số lượng 210 học viên. Với nội dung đào tạo, tập huấn chủ yếu bao gồm: Tổng quan và lợi ích của TMĐT, các mô hình TMĐT tại Việt Nam và trên thế giới; hệ thống pháp luật về TMĐT; các hoạt động thanh tra, kiểm tra, thống kê TMĐT; dịch vụ công trực tuyến; lập kế hoạch ứng dụng và triển khai TMĐT cho các doanh nghiệp; các kỹ năng khai thác thông tin thương mại trực tuyến; kỹ năng tìm kiếm khách hàng trên internet; xây dựng và quản trị website TMĐT; ứng dụng marketing trực tuyến và xây dựng thương hiệu trên môi trường internet...

Tham gia lớp tập huấn Kỹ năng ứng dụng TMĐT cho các doanh nghiệp năm 2019, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ (phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ) đã bắt tay vào việc xây dựng website: dongtrunghathaoloannhe.com, nhằm giới thiệu và thúc đẩy doanh thu cho các sản phẩm của công ty. Ngoài sử dụng website, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ cũng mở rộng bán hàng trên mạng xã hội facebook, zalo. Sau hơn 1 năm ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ kinh doanh, Công ty đã gặt hái được những kết quả nhất định. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Nhẹ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ, cho biết: Từ việc nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên về ứng dụng TMĐT vào kinh doanh đã giúp cho Công ty quảng bá và xây dựng thương hiệu trong môi trường trực tuyến. Qua đó, giúp Công ty nắm bắt cơ hội kinh doanh, tăng lượng khách hàng tiềm năng cũng như ổn định và giữ chân khách hàng truyền thống. Đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của Công ty trong thời kỳ hội nhập kinh tế.

Hiện nay, trong kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 còn 2 mục tiêu kế hoạch chưa đạt, gồm: 500 lượt cán bộ quản lý Nhà nước và doanh nghiệp được tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn về TMĐT và chỉ tiêu sử dụng website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TMĐT cho các doanh nghiệp là rất cần thiết. Từ đó, đẩy mạnh phát triển TMĐT tại tỉnh ta trở thành kênh xúc tiến hữu hiệu cho hàng hóa mang thương hiệu Điện Biên ra thị trường. Đặc biệt, nếu tận dụng được lợi thế của TMĐT sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và tăng trưởng bứt phá.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận
Back To Top