Ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

09:03 - Thứ Hai, 20/07/2020 Lượt xem: 7288 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, phương thức chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) đến người nông dân trên địa bàn huyện Ðiện Biên được áp dụng phổ biến là xây dựng, tổ chức, triển khai mô hình sản xuất phù hợp, có hiệu quả để nhân rộng. Ðồng thời, xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng những công nghệ tiến bộ để người dân học hỏi, làm theo. Ðây cũng là con đường ngắn nhất đưa kết quả từ các cơ sở nghiên cứu đến đồng ruộng.

Nông dân xã Thanh Xương, huyện Điện Biên sử dụng máy cấy kéo tay trong sản xuất lúa.

Những mô hình hiệu quả

Ở lĩnh vực trồng trọt, mô hình nhân giống lúa chất lượng cao được thực hiện liên tục qua các năm, góp phần cung cấp giống lúa chất lượng cao cho sản xuất đại trà. Mô hình luân canh lúa - màu hoặc lúa - màu - thủy sản ngày càng phổ biến, giúp nông dân thay đổi tập quán độc canh cây lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, gia đình bà Quàng Thị Duyên, bản Na Ten, xã Hua Thanh đã mạnh dạn chuyển đổi chuyên canh 2 vụ lúa/năm sang trồng 2 vụ lúa - 1 vụ màu. Bà Duyên cho biết: Tôi triển khai mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ ngô. Giống ngô là giống chất lượng cao được cán bộ khuyến nông giới thiệu, có thời gian sinh trưởng ngắn (hơn 2 tháng), chi phí thấp, dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn ít công chăm sóc. Mỗi sào ngô sau khi trừ chi phí còn lãi từ 5 - 7 triệu đồng, cao hơn so với cấy lúa. Ngô có giá từ 1.000 - 2.000 đồng/bắp vụ đông (đổ buôn) và 3.000 - 4.000 đồng/bắp bán lẻ. Mỗi năm gia đình tôi sử dụng 1.000 - 2.000m2 ruộng 2 vụ lúa trồng cây vụ đông, thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Liên, đội C9A, xã Thanh Xương cho biết: Từ khi tham gia mô hình “Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và biện pháp xử lý lúa lẫn” và “Áp dụng máy cấy lúa kéo tay vào sản xuất” (từ vụ đông xuân 2018 - 2019) đến nay là 6 vụ lúa, tôi thấy mô hình rất phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay, đặc biệt là giải pháp hiệu quả nhất trong trừ khử lúa lẫn. Mô hình không sử dụng thuốc trừ cỏ nhưng ruộng không có cỏ. Bông lúa tuy thưa nhưng hạt thóc to và độ mẩy, chắc cao. Hiện nay gia đình tôi sử dụng máy cấy động cơ, tiết kiệm được rất nhiều công lao động.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, khoa học công nghệ được ứng dụng để tạo nguồn giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao, chất lượng tốt; áp dụng công nghệ lên men sinh học để ủ chua thức ăn, tăng giá trị dinh dưỡng; phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm… Ðơn cử việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong cải tạo đàn bò địa phương bằng 2 phương pháp thụ tinh nhân tạo giống bò lai đã giúp tăng trọng lượng của bò, tăng lợi nhuận cao hơn bò địa phương từ 1 - 2 triệu đồng/con.

Giải pháp nhân rộng và ứng dụng

Trong những năm qua, nhằm chuyển giao, ứng dụng, triển khai đồng bộ tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp huyện Ðiện Biên đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và tập quán sản xuất của bà con nông dân. Trong đó, tập trung xây dựng vùng sản xuất chuyên canh để áp dụng đồng bộ KHKT cho từng loại cây trồng.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Hiện nay, huyện đang xây dựng, phát triển vùng chuyên canh sản xuất với trên 3.700ha chuyên canh sản xuất lúa vùng lòng chảo, áp dụng các giống lúa chất lượng cao, năng suất trung bình 62 - 65 tạ/ha; sản lượng hàng năm đạt hơn 46.000 tấn. Ðang dần hình thành các vùng chuyên canh liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả đặc trưng theo vùng như: Vùng chuyên canh vú sữa (40ha) tại các xã: Thanh Hưng, Thanh Luông; chuyên canh thanh long (10ha) tại các xã: Thanh Xương, Noong Luống; chuyên canh dứa (20ha) tại xã Mường Nhà; chuyên canh bưởi da xanh (50ha) tại các xã: Thanh Nưa, Thanh Chăn, Thanh Yên, Noong Luống. Vùng chuyên canh sản xuất rau chia thành 2 vùng chính: Chuyên canh rau gia vị (60ha) tại xã Thanh Hưng; sản xuất rau an toàn (30ha) tại các xã: Noong Luống, Pom Lót, Thanh Xương, Thanh Luông, Thanh Nưa. Các vùng chuyên canh các cây trồng khác như: 1.800ha sắn tại các xã phía Nam của huyện, 430ha ngô tại các xã vùng lòng chảo. Trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo lợi thế vùng, chuyển dịch dần chăn nuôi từ vùng có mật độ dân số cao sang vùng có mật độ dân số thấp, hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư, nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, hạn chế nuôi thả rông. Hiện nay, có 2 vùng chăn nuôi chính: Các xã lòng chảo tập trung phát triển nuôi gà thả vườn, lợn, thủy cầm theo hướng trang trại, gia trại công nghiệp, bán công nghiệp; các xã vùng ngoài với thế mạnh về đất đai rộng, mật độ dân số thấp tập trung phát triển các loại vật nuôi đặc sản, bản địa có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ và phục vụ khách du lịch như: Trâu, bò, lợn bản địa, lợn rừng...

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp huyện Ðiện Biên tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT; khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm... Ðồng thời đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ khuyến nông các xã, góp phần nâng cao hiệu quả chuyển giao, ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top