Cây mắc ca phát triển phù hợp ở Điện Biên

19:58 - Thứ Sáu, 24/07/2020 Lượt xem: 8289 In bài viết

ĐBP - Hôm nay (24/7), Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) do Thứ trưởng Hà Công Tuấn làm trưởng đoàn đã khảo sát, đánh giá kết quả và tình hình phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đi khảo sát diện tích trồng mắc ca tại xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo.

Sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch phát triển cây mắc ca, tỉnh Điện Biên đã cho chủ trương đầu tư 5 dự án trồng mắc ca gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tổng quy mô trồng tập trung trên 17.200ha. Đến nay, 8/10 địa phương đã trồng mắc ca, tổng diện tích hơn 3.200ha theo 2 hình thức trồng thuần và trồng xen. Hiện đã có khoảng 8ha cho thu hoạch, tổng sản lượng giai đoạn 2015 - 2019 đạt gần 35 tấn. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án và đảm bảo quyền lợi của người dân góp đất trồng mắc ca, tỉnh Điện Biên đã quyết định cơ chế sử dụng đất, chia sẻ lợi ích giữa 2 bên cụ thể, chi tiết và có sự ràng buộc. Tuy nhiên, do là loại cây trồng mới, tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây mắc ca ...

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá cao phương pháp, cách làm và những giải pháp mà tỉnh Điện Biên đang thực hiện trong việc quy hoạch, phát triển cây mắc ca. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, mắc ca là cây đa mục tiêu, đối với diện tích đất chưa có rừng, tỉnh chủ động xây dựng quy hoạch cụ thể để quyết định có mở rộng diện tích hay không; tuy nhiên, cũng phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Mở rộng diện tích trồng phải gắn với phương án chế biến tại chỗ và nghiên cứu thị trường đầu ra cũng như giá thành sản phẩm... Về những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Bộ sẽ bố trí đội ngũ chuyên gia lên hỗ trợ tỉnh vào thời điểm phù hợp.

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam chia sẻ nhiều thông tin về các sản phẩm từ mắc ca và thị trường tiêu thụ. Theo đó, sản lượng mắc ca trên toàn thế giới hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu của thị trường, dự kiến đến năm 2030 cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Bên cạnh đó, không phải vùng đất nào cũng trồng được cây mắc ca, nhưng thực tế cho thấy Điện Biên là nơi có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng loại cây này.

Trước đó, đoàn công tác đã khảo sát, đánh giá việc triển khai dự án trồng mắc ca tại huyện Tuần Giáo - địa phương có diện tích trồng mắc ca lớn nhất tỉnh Điện Biên hiện nay (hơn 1.400ha). Khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết diện tích mắc ca đã trồng từ 3 - 4 năm đều sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều diện tích đang có quả chuẩn bị cho thu hoạch. Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng mô hình liên kết các nhà, trong đó những người góp đất trồng mắc ca được coi là chủ thể cùng với sự hỗ trợ của chủ đầu tư là cách làm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn để hoàn thành mục tiêu trồng 2.000ha mắc ca tại địa phương...

Tin, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top