Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

09:22 - Thứ Hai, 27/07/2020 Lượt xem: 7332 In bài viết

ĐBP - “Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao” được xác định là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Huyện Mường Ảng được xác định là vùng chuyên canh cây cà phê và cây ăn quả. Trong ảnh: Người dân xã Búng Lao chăm sóc cà phê. Ảnh: C.T.V

Nhờ nỗ lực thực hiện các giải pháp, trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như: Vùng Tuần Giáo, Mường Ảng tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc (bò), trồng lúa, ngô, mắc ca, cà phê, cây ăn quả, trồng rừng sản xuất, sơn tra, dược liệu; vùng Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà sẽ tập trung phát triển chăn nuôi trâu, trồng rừng phòng hộ, mắc ca, phát triển dược liệu, nuôi ong. Đối với vùng huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ chú trọng phát triển lúa chất lượng cao, cây ăn quả, trồng mắc ca, rau an toàn, chăn nuôi lợn, gia cầm, bò sữa. Vùng Tủa Chùa phát triển chè, dược liệu, gà, lợn địa phương, dê, cá rô phi, cá lăng, sơn tra. Vùng TX. Mường Lay phát triển nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và vùng Điện Biên Đông tập trung chăn nuôi trâu, bò, trồng rừng phòng hộ, dược liệu.

Bên cạnh việc hình thành các vùng chuyên canh theo địa phương, thì ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng một số vùng sản xuất theo các sản phẩm cụ thể. Điển hình, vùng sản xuất lúa chất lượng cao (IR64, BT7) gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ, dự kiến tổng diện tích khoảng 2.500ha; vùng sản xuất ngô hàng hóa hướng đến ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trên địa bàn 4 huyện: Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên với diện tích 9.000ha; vùng sản xuất cà phê liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với người dân trên địa bàn các huyện Mường Ảng và Tuần Giáo với diện tích 2.000ha… Tùy vào điều kiện thực tế, hàng năm các địa phương bổ sung danh mục các sản phẩm lợi thế, thế mạnh của mình gắn với xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp tổ chức phát triển sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa.

Việc xây dựng, hình thành các vùng sản xuất tập trung góp phần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn. Điển hình, vùng Điện Biên Đông tập trung chăn nuôi trâu, bò mang lại hiệu quả tích cực. Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông cho biết: Trên cơ sở định hướng vùng sản xuất nông nghiệp, thời gian qua huyện xác định phát triển chăn nuôi gia súc (chủ yếu trâu, bò) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng sản xuất hàng hóa. Vì vậy, huyện tích cực vận động, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi như: Hỗ trợ trồng cỏ, con giống, làm chuồng trại, tiêm vắc xin, phun phòng dịch bệnh... Do vậy, trong những năm qua ngành chăn nuôi của Điện Biên Đông đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế huyện. Đàn gia súc tăng cả số lượng và chất lượng; tốc độ tăng trưởng ổn định. Trong 5 năm qua, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện phát triển đạt gần 128%; tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 4%/năm. Hiện nay, tổng đàn trâu trên địa bàn huyện gần 111 nghìn con; đàn bò gần 34 nghìn con. Nhiều xã, hộ dân trên địa bàn huyện là điển hình trong xóa đói giảm nghèo từ việc chăn nuôi gia súc.

Huyện Mường Ảng ngoài việc phát triển cà phê còn được xác định là vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị cao. Những năm qua, huyện đã tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó, hướng tới tập trung phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế như: Bưởi da xanh, xoài Đài Loan, cam và chanh leo... với diện tích trên 205ha. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn huyện có 350ha - 400ha cây ăn quả. Bên cạnh đó, hiện đã có một số doanh nghiệp tiến hành đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng Quang Hà với quy mô đầu tư phát triển trồng cây ăn quả bằng công nghệ cao trên 200ha; Công ty TNHH Xây dựng Bùi Gia Phát đang khảo sát, tích tụ đất để xây dựng dự án kết hợp trồng rừng, trồng cây ăn quả và các loại cây kinh tế khác. Dự kiến tiến hành thực hiện 1.000ha - 1.500ha các loại cây ăn quả.

Để đẩy mạnh xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, ngành Nông nghiệp tỉnh, chính quyền các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư sản xuất. Đồng thời, thực hiện rà soát các cơ chế, chính sách; xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách cho vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top