Chủ động ứng phó dịch châu chấu tre

09:12 - Thứ Tư, 29/07/2020 Lượt xem: 6057 In bài viết

ĐBP - Mới đây, trên địa bàn xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) xuất hiện đàn châu chấu tre di thực theo hướng từ biên giới 2 nước Lào và Trung Quốc vào làm hư hại 60ha (40ha cây rừng và 20ha ngô đang giai đoạn phun râu, chín sữa); chủ yếu ở các bản: Tá Miếu, Pờ Nhù Khò, Tả Kố Khừ, Tả Kố Ky... Trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với huyện Mường Nhé kiểm tra thực địa và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn triển khai các biện pháp phòng, chống; kịp thời hỗ trợ người dân phòng trừ, tránh để châu chấu tre gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) phối hợp với huyện Mường Nhé thực địa, xác minh diện tích ngô bị thiệt hại do châu chấu gây ra tại xã Sín Thầu.

Theo ghi nhận của Sở NN&PTNT năm 2015 dịch châu chấu tre xuất hiện lần đầu tại huyện Điện Biên và sau đó liên tiếp từ năm 2016 - 2019, châu chấu tre gây hại tập trung tại 5 huyện trên địa bàn tỉnh, gồm: Mường Chà, Điện Biên Đông, Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ với tổng diện tích 2.943,8ha (trên 100ha gây hại cây trồng nông nghiệp). Tiếp đến, trong những tháng đầu năm 2020 châu chấu tre xuất hiện tại các huyện: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên, Mường Chà với diện tích gây hại 72ha. Ngày 28/6 lại xuất hiện một đàn châu chấu tre di thực từ biên giới giáp Lào (khu vực cửa khẩu quốc tế Tây Trang) vào huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ với số lượng lớn, di chuyển nhanh và gây hại trên 90ha tre, trúc (2,3ha lúa nương).

Đặc biệt, mới đây nhất ngày 16/7, một đàn lớn châu chấu tre di thực từ hướng biên giới nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào xã biên giới Sín Thầu (huyện Mường Nhé) gây hại cây trồng. Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Báo cáo của xã Sín Thầu, đàn châu chấu di thực với số lượng lớn, mật độ dày (từ 200 - 300 con/m2) nên ngay khi vào địa bàn đã gây hại hơn 60ha (40ha cây rừng và 20ha cây ngô đang giai đoạn phun râu, chín sữa). Qua kiểm tra thực địa, đoàn công tác Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với huyện Mường Nhé xác định, có 2ha ngô bị thiệt hại trên 70%; 3ha bị thiệt hại từ 30 - 70% và 15ha thiệt hại dưới 30%. Đến ngày 25/7, phần lớn đàn châu chấu tre lại di chuyển ngược về huyện Giang Thành (tỉnh Vân Nam - Trung Quốc); một phần nhỏ di chuyển từ xã Sín Thầu sang xã Sen Thượng chưa ghi nhận gây hại trên địa bàn; đàn tiếp tục di chuyển theo hướng huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Ngay sau khi phát hiện, huyện Mường Nhé đã xây dựng kế hoạch phòng chống châu chấu tre gây hại, đặc biệt là hỗ trợ vật tư phun phòng trừ kịp thời, đảm bảo an toàn, ngăn châu chấu tre tăng đàn nhanh chóng.

Gia đình anh Lỳ Go Giá, bản Pờ Nhù Khò (xã Sín Thầu) vừa qua do ảnh hưởng của dịch châu chấu tre đã bị mất trắng hơn 400m2 ngô. Anh Giá chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện nghèo, cả năm chỉ trông chờ vào trồng ngô và lúa nước, nhưng không may bị châu chấu tre tấn công làm thiệt hại hoàn toàn diện tích ngô đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tôi rất mong các cấp chính quyền tạo điều kiện, hỗ trợ để gia đình tôi sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống”. Không riêng gì gia đình anh Lỳ Go Giá mà trên địa bàn xã Sín Thầu, châu chấu tre đã tấn công gây hại và làm thiệt hại hoàn toàn diện tích ngô của hơn 30 hộ dân.

Ngay khi phát hiện châu chấu tre di thực vào địa bàn, Sở NN&PTNT đã cử cán bộ, các đơn vị chuyên môn phối hợp và hỗ trợ các huyện tổ chức theo dõi, kiểm tra, nắm chắc diễn biến mức độ gây hại. Đồng thời, xác định chính xác thời gian châu chấu nở để phòng trừ ngay từ khi châu chấu đẻ trứng hoặc châu chấu non. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã phun thuốc diệt trừ châu chấu tre được 28,2ha cho hiệu quả đạt từ 80 - 95%. Số diện tích còn lại chưa phun trừ vì châu chấu tre liên tục di chuyển đàn, chưa ổn định địa bàn cư trú.

Theo nhận định của Sở NN&PTNT thì từ nay đến tháng 8/2020 vẫn là thời gian di chuyển nhanh, gây hại mạnh trong chu kỳ sinh trưởng của châu chấu. Bởi vậy, nguồn thức ăn chính của châu chấu (tre, trúc) sẽ ngày càng cạn kiệt thì khả năng châu chấu gây hại trên cây trồng nông nghiệp (lúa, ngô, cỏ chăn nuôi…) là rất lớn. Đặc biệt, mối nguy lớn hơn là khi nguồn thức ăn cạn kiệt, châu chấu sẽ di chuyển sang các địa bàn khác theo nguồn thức ăn chính và hướng gió để gây hại; nếu không chủ động các phương án phòng trừ thì rất có thể nhiều địa phương khác sẽ xuất hiện thêm nhiều châu chấu tre và việc diệt trừ sẽ càng gian nan, tốn kém hơn.

Để ngăn chặn và phòng trừ dịch châu chấu tre, Sở NN&PTNT đề nghị các huyện đã có châu chấu xuất hiện tiếp tục theo dõi hướng di chuyển của đàn; kịp thời áp dụng các biện pháp phòng trừ bằng thủ công hoặc máy phun dạng khói khi châu chấu gây hại cây trồng và thời điểm châu chấu co cụm ghép đôi đẻ trứng. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng, chống châu chấu cho chính quyền cơ sở, đoàn thể, chủ rừng và các hộ dân để nâng cao hiệu quả giám sát thực địa phục vụ công tác phát hiện, khoanh vùng, đánh dấu khu vực châu chấu tre làm tổ, ghép đôi mùa sinh sản.

Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học, thử nghiệm thiết bị bay không người lái để phun phòng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiến nghị với Bộ Quốc phòng hỗ trợ, bố trí thiết bị bay không người lái để phun thuốc diệt trừ châu chấu tre khi có diễn biến phức tạp; phối hợp với chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn điều tra, nắm bắt thông tin về tình hình và các biện pháp phòng, chống châu chấu tại các địa bàn giáp ranh với hai nước Lào, Trung Quốc để có thông tin chủ động theo dõi, phòng trừ; giảm mức thiệt hại thấp nhất do châu chấu tre gây ra cho sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top