“Cần nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp”

09:38 - Thứ Tư, 29/07/2020 Lượt xem: 5251 In bài viết

ĐBP - Đó là ý kiến của đồng chí Lê Thành Đô, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới. 

Theo kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, tỉnh ta đạt điểm số tổng hợp là 64,11 và xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 3 bậc so với năm 2018). Đây là số điểm cao nhất mà tỉnh đạt được sau 15 năm thực hiện đánh giá, xếp hạng PCI. Kết quả đó cho thấy chất lượng điều hành phát triển kinh tế của chính quyền các cấp tỉnh ta tiếp tục được cải thiện. Theo đánh giá từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, một số chuyển biến rõ rệt trong năm qua là: Mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng; môi trường kinh doanh có mức độ bình đẳng cao hơn; tính minh bạch được cải thiện; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực.

Đánh giá tổng thể, năm 2019 Điện Biên có 6/10 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2018. Tuy nhiên một số chỉ số thành phần tăng điểm nhưng lại tụt hạng như: Điểm chỉ số tiếp cận đất đai năm 2019 đạt 6,21 điểm, tăng 0,03 điểm so với năm 2018 (6,18 điểm) nhưng xếp hạng 57/63 tỉnh thành, thấp hơn 9 bậc so với thứ hạng năm 2018 là 48/63. Lý do là nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nhiều giải pháp và đạt được những kết quả quan trọng trong nâng cao chỉ số được xem là quan trọng bậc nhất này. Bên cạnh đó, một số chỉ số thành phần năm 2019 như: Gia nhập thị trường; tính minh bạch; chi phí không chính thức; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đều có số điểm thấp hơn so với năm 2018. Tỷ lệ thuận với số điểm thấp, thứ bậc xếp hạng của các chỉ số thành phần này cũng rất thấp. Điển hình là chỉ số chi phí không chính thức năm 2019 đạt 4,71 điểm (năm 2018 đạt 5,19 điểm) và xếp hạng 63/63.

Đánh giá thực trạng chỉ số PCI của tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thành Đô cho biết: Tuy đã có những chuyển biến tích cực song vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục. Điển hình là một số chỉ số thành phần đã tụt hạng so với năm 2018. Để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Trong đó các cơ quan chức năng cần triển khai nhanh, hiệu quả một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để từng bước cải thiện chỉ số PCI. Trước hết là tập trung thực hiện hiệu quả nội dung Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Đồng thời thực hiện nghiêm Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với nội dung chủ yếu: Tạo môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện. Đảm bảo mọi doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; tạo bước chuyển biến toàn diện trong nhận thức của các cơ quan chức năng có liên quan về sự cần thiết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Nhiệm vụ chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng cần thực hiện quyết liệt là tập trung xây dựng chính quyền phục vụ, mà nội dung cốt lõi là đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính gắn trách nhiệm của người đứng đầu; phân công chủ trì, phụ trách đối với lĩnh vực, nhiệm vụ và trách nhiệm của tập thể, cá nhân gắn với kết quả CCHC của cơ quan, đơn vị. Chủ tịch, phó chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng và cấp phó các sở, ngành bám sát nhiệm vụ, lĩnh vực được giao để chỉ đạo điều hành; tăng cường kiểm tra nắm tình hình thực hiện tại cơ sở để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, hạn chế vụ việc gây bức xúc trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Hiện nay, 100% bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ trên địa bàn tỉnh đã niêm yết công khai lịch làm việc của UBND cùng cấp, kết quả giải quyết công việc, thời gian làm việc của bộ phận “Một cửa”; công bố lịch tiếp dân của lãnh đạo UBND. Tỉnh đã triển khai Hệ thống cung cấp Dịch vụ hành chính công trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã; trong đó đã có 86 dịch vụ công mức độ 4. Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận “Một cửa” trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại đã góp phần giảm thời gian cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp mới (kể cả đăng ký thuế) xuống trung bình 2,47 ngày, thời gian cấp đăng ký thay đổi là 1,9 ngày; thời gian cấp phép xây dựng và thủ tục liên quan trung bình là 17 ngày…

So với năm 2018, 4 chỉ số thành phần của năm 2019 gồm: Gia nhập thị trường; tính minh bạch; chi phí không chính thức; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đều có số điểm thấp hơn. Về vấn đề này, đồng chí Lê Thành Đô thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân đến từ những hạn chế, yếu kém của các cấp chính quyền trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh. Điển hình là chỉ số chi phí không chính thức năm 2019 đứng cuối bảng xếp hạng (63/63); đây là chỉ số có mức giảm điểm cao nhất (giảm 43%) so với năm 2018. Để cải thiện và nâng cao chỉ số này cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, nhất là việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đồng thời cần sự tham gia của doanh nghiệp, nhà đầu tư để tăng cường tính công khai, minh bạch.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top