Tuần Giáo đưa nông nghiệp từng bước phát triển

08:42 - Thứ Sáu, 31/07/2020 Lượt xem: 7489 In bài viết

ĐBP - Là huyện cửa ngõ của tỉnh, có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện Tuần Giáo đã phát huy thuận lợi, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ðược sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, huyện Tuần Giáo đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi, các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới... tạo động lực thúc đẩy kinh tế của huyện tăng trưởng và phát triển. Ðặc biệt là công tác chỉ đạo, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình chia cắt, giao thông cách trở, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; hạ tầng kinh tế kỹ thuật còn thấp, chưa đồng bộ; tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; nguồn lực cho đầu tư phát triển còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu. Mặt khác, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản còn chậm, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn sản phẩm nông nghiệp còn ở dạng thô, chưa có thương hiệu nên sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản còn thấp.

Trước những khó khăn, thách thức đó, Tuần Giáo đã chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng; tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế (lúa gạo, ngô, cao su, cà phê, cây lấy gỗ, chăn nuôi đại gia súc); áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống cây, con; tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp có chuyển biến tích cực.

Ðối với phát triển chăn nuôi, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chủ động phòng chống dịch bệnh, phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm như: Làm chuồng trại đủ ấm, tích trữ các nguồn thức ăn khô cho gia súc, hạn chế tình trạng thả rông… Kết quả chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, tổng đàn gia súc đến năm 2020 ước đạt 95.500 con (tăng 15.485 con so với năm 2015), tốc độ tăng đàn bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 4%/năm.

Trong trồng trọt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thực hiện chuyển dịch từ độc canh cây lúa sang trồng rau màu, cây ăn quả dài ngày theo hướng sản xuất hàng hóa; xây dựng một số vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung. Trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện đã thực hiện chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân 8 mô hình: Mô hình trồng na (tại 2 xã Rạng Ðông, Mùn Chung); mô hình bưởi da xanh (tại các xã: Rạng Ðông, Mùn Chung, Quài Nưa); mô hình lạc (Mường Thín, Quài Cang); mô hình khoai tây vụ đông (Quài Cang, Quài Tở, Chiềng Sinh); mô hình ngô xuân (Rạng Ðông, Pú Nhung). Ðến nay, huyện duy trì nhiều loại cây công nghiệp như: 1.320ha cây cao su, 342ha cây cà phê, 206,1ha cây táo mèo, trồng mới 1.400ha mắc ca, 58,2ha cây thảo quả… Huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã phát triển chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả (xoài Ðài Loan, bưởi Diễn, bưởi da xanh, táo mèo, lê Ðài Loan…) với tổng diện tích 374,6ha. Hiện nay, huyện đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Dự án trồng mắc ca công nghệ cao của Công ty Cổ phần Macadamia với tổng vốn đầu tư 485 tỷ đồng; Công ty Cổ phần rau hoa quả Trung ương phát triển chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả (xoài Ðài Loan, bưởi Diễn, bưởi da xanh, lê…) với tổng diện tích 374,6ha. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã tích cực triển khai Ðề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện. Ðến nay huyện tổ chức lựa chọn, đề xuất sản phẩm cà phê bột Hồng Kỳ trình Hội đồng cấp tỉnh xét duyệt.

Trong giai đoạn tới, huyện Tuần Giáo tiếp tục khai thác những điều kiện thuận lợi như: Lực lượng lao động lớn, đầu mối giao thông thuận tiện, tiếp giáp vùng kinh tế nông nghiệp phát triển (tỉnh Sơn La) để thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó ổn định diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt 12.000ha, duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 300ha, phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có 21 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp với tổng số 208 thành viên. Tiếp tục đầu tư, cải tạo, sửa chữa các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương; tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng Dự án hồ Bản Phủ tại xã Quài Cang nhằm cung cấp nước phát triển nông nghiệp và dân sinh tại các xã: Quài Cang, Quài Nưa, Pú Nhung và thị trấn. Ðể hiện thực hóa mục tiêu, huyện sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của bà con nông dân, huy động các tổ, doanh nghiệp tham gia có hiệu quả trong đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp.

Vũ Văn Ðức

Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo

Bình luận
Back To Top