Khó xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho nông sản

08:43 - Thứ Sáu, 31/07/2020 Lượt xem: 6168 In bài viết

ĐBP - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đối với các mặt hàng nông sản, chỉ dẫn địa lý (CDÐL) trở thành công cụ hữu hiệu để bảo hộ các sản phẩm đặc sản, thúc đẩy tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng và mở rộng thương mại. Tuy nhiên, đối với tỉnh ta, việc xây dựng, quản lý và khai thác CDÐL cho nông sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Bà Phạm Thị Thu Hoài, Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ -  An toàn bức xạ, hạt nhân (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: CDÐL là mức bảo hộ cao nhất đối với mặt hàng nông sản. Tính đến tháng 10/2019, cả nước có 65 CDÐL được bảo hộ, trong đó tỉnh Ðiện Biên có 1 CDÐL là “Gạo Ðiện Biên” được bảo hộ từ năm 2014. Ðể đẩy mạnh đăng ký, xây dựng CDÐL cho nông sản, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về xây dựng CDÐL cho nông sản. Hàng năm, Sở tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ thể kinh tế quy trình, thủ tục đăng ký, xây dựng CDÐL. Tuy nhiên, việc xây dựng CDÐL cho nông sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Bởi vì để một sản phẩm được đăng ký chỉ đẫn địa lý, ngoài các yếu tố như thời gian, kinh phí, các sản phẩm phải mang tính chất đặc trưng của địa phương về: Ðịa hình, khí hậu, thổ nhưỡng… Ðơn cử như hiện nay sản phẩm cà phê của ở Sơn La đã được bảo hộ về CDÐL. Do đó, nếu tỉnh ta dự kiến xây dựng CDÐL cho sản phẩm cà phê Mường Ảng thì phải phân tích, chứng minh được sản phẩm có tính đặc thù khác hẳn với sản phẩm đã được đăng ký trước đó ở địa phương khác. Nội dung quan trọng nhất là sản phẩm nông sản tại địa phương phải đảm bảo, đáp ứng các chỉ số về chất lượng. Song chất lượng sản phẩm nông sản là một vấn đề rất khó khăn. Ðiển hình như sản phẩm gạo Ðiện Biên đã được bảo hộ CDÐL đối với 2 giống: IR64 và Bắc thơm số 7 nhưng đến nay toàn tỉnh mới có 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh được dán tem CDÐL trên sản phẩm.

Xây dựng đã khó nhưng vấn đề khai thác, phát triển CDÐL còn khó hơn. Ðối với 2 giống gạo: IR64 và Bắc thơm số 7 được bảo hộ cách đây 6 năm nhưng đến nay diện tích gieo cấy 2 giống lúa này ngày càng thu hẹp. Giả thiết thời gian tới nếu tỉnh ta không còn duy trì được 2 giống lúa này trong bộ cơ cấu giống hàng năm thì bảo hộ CDÐL sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh gạo trên địa bàn chưa thật sự hiểu hết về giá trị của bảo hộ CDÐL nên chưa quan tâm đến việc dán tem CDÐL lên sản phẩm. Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã gửi công văn đến 100% doanh nghiệp, hợp tác xã về việc đánh giá sản phẩm gạo Ðiện Biên để dán tem CDÐL. Song toàn tỉnh chỉ có 2 đơn vị đăng ký tham gia và chỉ sản phẩm của Công ty TNHH Safe Green đạt yêu cầu. Ngoài ra, hiện nay thương hiệu gạo Ðiện Biên đang bị nhái rất nhiều gây ảnh hưởng lớn đến công tác phát triển, thâm nhập thị trường của sản phẩm gạo Ðiện Biên chính hiệu được bảo hộ.

Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Safe Green cho biết: Công ty có sản phẩm gạo Thiên Bản (đặc sản gạo tám Ðiện Biên) - là sản phẩm duy nhất của tỉnh được bảo hộ CDÐL. Từ khi được bảo hộ, giá trị sản phẩm tăng lên tuy nhiên do thương hiệu gạo Ðiện Biên trên thị trường bị nhái nhiều nên Công ty gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và thâm nhập các thị trường lớn. Vì vậy chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh có giải pháp giải quyết tình trạng tình trạng trên.

Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Thu Hoài cho biết: Sở Khoa học và Công nghệ đã gửi công văn phối hợp với các cục, chi cục quản lý thị trường và các ngành liên quan trong việc ngăn chặn, xử lý các cơ sở, doanh nghiệp nhái thương hiệu Gạo Ðiện Biên. Vừa qua, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh đã có văn bản phúc đáp, đồng ý phối hợp với tỉnh Ðiện Biên kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Dự kiến, thời gian tới, tỉnh ta sẽ tiếp tục đăng ký bảo hộ đối với các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Cà phê Mường Ảng, chè Tủa Chùa… Do việc đăng ký CDÐL ở ta còn nhiều khó khăn nên Sở Khoa học và Công nghệ dự kiến tham mưu cho tỉnh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nông sản địa phương.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top