Sớm gỡ khó cho dự án vướng đất rừng

08:45 - Thứ Bảy, 01/08/2020 Lượt xem: 7817 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án đầu tư xây dựng phải tạm dừng thi công do vướng vào rừng và đất rừng phải đợi điều chỉnh quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện dự án. Vì vậy, nếu không có biện pháp tháo gỡ kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng đình, giãn, hoãn tiến độ, kéo dài, gây lãng phí nguồn lực.

Công nhân Công ty TNHH Lê Minh Quang 959 thi công tuyến đường Mường Luân - Co Kham - Na Hát - Páo Sinh (huyện Ðiện Biên Ðông).

Theo Văn bản số 804/UBND-KTN ngày 24/3/2020 của UBND tỉnh về việc bổ sung làm rõ nội dung sự phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trên địa bàn tỉnh có 20 dự án đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (ngoài 3 dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ, gồm: Ðường Na Phay - Huổi Chanh - bản Gia Phú A, B, xã Mường Nhà, huyện Ðiện Biên; dự án Thủy điện Long Tạo và Thủy điện Mùn Chung 2, huyện Tuần Giáo). Tổng diện tích rừng tự nhiên đề nghị chuyển mục đích sử dụng là 62,9ha (gồm 34,89ha rừng phòng hộ; 15,51ha rừng sản xuất và 12,5ha rừng ngoài quy hoạch).

Theo quy định tại Ðiều 58, Luật Ðất đai năm 2013 và Nghị định 43/2014/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ðất đai thì đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa, dưới 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sẽ do HÐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết. Chuyển đổi trên 10ha đất lúa và trên 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Song bên cạnh những dự án vướng vào đất rừng, rừng theo quy định phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì có những dự án vướng vào đất rừng do thiếu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chuyên môn trong công tác thẩm định, tham mưu thực hiện dẫn đến dự án chậm tiến độ.

Dự án đường Mường Luân - Co Kham - Na Hát - Páo Sinh, xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2010, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân dự án này phải dừng và đến năm 2017 mới tiếp tục được thực hiện. Tuyến đường có chiều dài gần 8km với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng, do UBND huyện Ðiện Biên Ðông làm chủ đầu tư. Ðến nay, cơ bản tuyến đường đã được thực hiện, nhất là đoạn Co Kham - Na Hát, tuy nhiên ở đầu tuyến vẫn còn một đoạn chưa thi công được do vướng vào đất có rừng. Cụ thể, đoạn Co Kham - Na Hát, tại thời điểm lập dự án năm 2010 có hơn 8.000m2 đất rừng nghèo (thực tế là nương luân canh của người dân) chưa được cấp giấy chứng nhận đất rừng cho cộng đồng dân cư. Năm 2015, thực hiện Kế hoạch 388/KH-UBND về giao đất giao rừng, do các cơ quan chuyên môn của huyện thẩm định không kỹ nên đã tham mưu cho UBND huyện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư bản Na Hát diện tích hơn 8.000m2 nói trên. Ðến năm 2018, tỉnh có chủ trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, huyện tiếp tục đưa dự án này vào quy hoạch 3 loại rừng, dẫn đến đất rừng trùm lên dự án với diện tích 2,64ha. Quá trình thực hiện dự án, huyện Ðiện Biên Ðông đã trình tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cho chuyển mục đích sử dụng và cho trồng rừng thay thế. Sau đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến: “Không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh…”.

Theo ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên Ðông, dự án này được phê duyệt từ lâu, việc tham mưu thực hiện dự án còn những mặt yếu kém nhất định, công tác thông tin, báo cáo còn hạn chế. Sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chuyên môn trong tham mưu, xử lý dự án có liên quan đến rừng, chuyển đổi đất rừng, cấp giấy chứng nhận giao đất, giao rừng năm 2015; cũng như việc thực hiện quy hoạch 3 loại rừng làm sau mà không bóc bỏ dự án ra ngoài; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào cả phần đất dự án đã được phê duyệt. Vì vậy, đến nay dự án vẫn đang vướng vào đất rừng, chưa thể hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Tại kỳ họp thứ 14, HÐND tỉnh khóa XIV, tổ chức trong tháng 7 vừa qua, trên cơ sở tờ trình của UBND tỉnh, HÐND tỉnh đã chấp thuận bổ sung danh mục dự án cần thu hồi đất và dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ vào các mục đích khác năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, chấp thuận 24 dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 3, Ðiều 62, Luật Ðất đai năm 2013 với tổng nhu cầu sử dụng đất là 86,06ha. Chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 16,35ha đất trồng lúa; 4,60ha đất rừng phòng hộ vào các mục đích khác để thực hiện 15 dự án theo quy định tại điểm b, khoản 1, Ðiều 58, Luật Ðất đai năm 2013.

Các dự án đã được HÐND tỉnh xem xét, chấp thuận cần thu hồi đất đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh. Ðây là các dự án có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh. Ðể các dự án đảm bảo thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo quy định, sớm được triển khai, hoàn thành, kịp thời giải ngân nguồn vốn đã được bố trí, phát huy hiệu quả đầu tư, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, cần sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top