Nông sản xuất khẩu - nhìn từ Sơn La

09:27 - Thứ Năm, 06/08/2020 Lượt xem: 5442 In bài viết

ĐBP - Tỉnh Sơn La xác định xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn ứng dụng công nghệ cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường là “gốc” và “cốt lõi” trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Vừa qua, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) đã tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô xoài đầu tiên sang Mỹ - một trong những thị trường khó tính nhất nhưng nhiều tiềm năng, đây là một tín hiệu vui cho thị trường xuất khẩu nông sản Sơn La.

Hiện trên địa bàn huyện Mai Sơn có 2.640ha xoài, trong đó 1.250ha cho thu hoạch với tổng sản lượng năm 2020 ước đạt 14.200 tấn, sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu 6.500 tấn. Toàn huyện hiện có 145ha xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP; 593 ha xoài được cấp mã số vùng trồng. Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, để xuất khẩu sản phẩm quả xoài, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo điều kiện xuất khẩu. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu và ký kết các hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa nông sản với các doanh nghiệp, nhà phân phối tại thị trường trong và ngoài nước. Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện đã tiêu thụ gần 7.000 tấn xoài, trong đó, xuất khẩu được 1.615 tấn. 30 tấn xoài tượng da xanh của huyện Mai Sơn được Công ty TNHH Kim Nhung (Đồng Tháp) thu mua, lựa chọn đóng gói để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ với giá thu mua từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, tùy loại.

Lô xoài xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã khẳng định sản phẩm xoài của Sơn La nói chung, huyện Mai Sơn nói riêng đã đảm bảo uy tín, chất lượng đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Từ lô xoài này sẽ góp phần tác động trở lại, thúc đẩy sản xuất đặc biệt là sản xuất an toàn của người dân. Đây là cơ hội để sản phẩm xoài, các loại quả và nông sản Sơn La tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước trong khu vực và trên thế giới.

Để tăng giá trị cho nông sản địa phương, tỉnh Sơn La đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao.   

Từ tỉnh miền núi có diện tích đất nương đồi trồng ngô lớn nhất nước, Sơn La đã nhanh chóng chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, trở thành vựa cây ăn quả lớn thứ hai của cả nước với tổng diện tích trên 70.000ha. Tổng giá trị nông sản xuất khẩu của tỉnh năm 2019 đạt 140,16 triệu USD, chiếm 93,29% giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu nông sản ngày càng được mở rộng như: Trung Quốc, Campuchia, Anh, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đó là kết quả của quá trình đẩy mạnh đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị cạnh tranh trên thị trường. Mối liên kết giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học được hình thành, bước đầu tạo chuỗi sản xuất cho các sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, tỉnh đã đồng bộ các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Nhiều công nghệ cao đã được áp dụng như xây dựng nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới nước tiết kiệm…

Đến nay, tỉnh Sơn La có hơn 9.780ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn VietGAP, GlobalGAP. Cùng với đó, 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và đã có thương hiệu như: Cà phê Sơn La, cam Phù Yên, nhãn Sông Mã, xoài tròn Yên Châu, chè Shan tuyết Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, chè Ô Long Mộc Châu, chè Tà Xùa và mật ong Sơn La... Tỉnh cũng đang triển khai thực hiện thí điểm sản xuất 11 sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại các huyện, thành phố và được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình hưởng ứng...

Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Sơn La, để có thể mở rộng thị trường, ngoài việc tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, yếu tố đầu vào như vật tư, giống cây trồng cho đến quản lý, chăm sóc, bao gói, truy xuất nguồn gốc… đều phải chuẩn, sau đó mới đưa đi giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường. Sơn La cũng luôn hướng tới vùng sản xuất nông sản an toàn. Do đó, tỉnh đã hướng dẫn các hợp tác xã chuyển dần sang hướng hữu cơ, đảm bảo sản phẩm sạch.

Thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến nông sản; quản lý tốt những diện tích đã được cấp mã vùng trồng, tiếp tục xây dựng các mã vùng trồng mới; quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn; tăng cường thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh xây dựng các cơ sở thu gom có đủ năng lực (kho lạnh, cơ sở sơ chế, phân loại, đóng gói, bao bì, phương tiện vận chuyển chuyên dụng) bao tiêu và ký kết hợp đồng xuất khẩu…

T.K (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top