Sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn

08:52 - Thứ Hai, 10/08/2020 Lượt xem: 7615 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, mở ra hướng đi mới nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do quy trình sản xuất khắt khe, chi phí cao, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định.

Nông dân xã Noong Luống, huyện Điện Biên chăm sóc rau màu. Ảnh: Thu Phương

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phương pháp canh tác tự nhiên có kiểm soát, không sử dụng hóa chất, mọi công đoạn từ khâu làm đất đến thu hoạch đều được ghi chép tỉ mỉ để có thể truy xuất nguồn gốc khi gặp vấn đề về chất lượng sản phẩm. Thời gian qua, đã có một số mô hình ứng dụng phương pháp sản xuất hữu cơ vào sản xuất song mới chỉ là bước đầu manh nha; các sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ chưa có. Đơn cử quả bí đao Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông) là một trong những sản phẩm được người dân địa phương sản xuất tự nhiên, sản phẩm mang hướng nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, để sản phẩm được chứng nhận hữu cơ rất khó khăn nếu cứ sản xuất theo quy trình như hiện nay. Lý do là để sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, như: Quản lý các tài nguyên (đất, nước, không khí) theo nguyên tắc hệ thống và sinh thái trong tầm nhìn dài hạn; không dùng các vật tư là chất hóa học tổng hợp trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất nhằm tránh trường hợp con người và môi trường tiếp xúc với các hóa chất độc hại; giảm thiểu ô nhiễm ở nơi sản xuất và môi trường chung quanh; không sử dụng công nghệ biến đổi gen và công nghệ khác có hại cho sản xuất hữu cơ… Vì vậy, việc tổ chức sản xuất của người dân Tìa Dình chưa thể đáp ứng quy định nghiêm ngặt của nông nghiệp hữu cơ.

Quy trình sản xuất đã khắt khe, việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ càng khó khăn hơn. Cụ thể, để công nhận sản phẩm gạo hữu cơ, người dân, doanh nghiệp cần phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình từ khâu trồng trọt, sơ chế, chế biến, bao gói, ghi nhãn, bảo quản vận chuyển; xây dựng kế hoạch sản xuất hữu cơ có ghi chép, lưu giữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm. Tại khâu trồng trọt thì thời gian chuyển đổi đối với lúa hữu cơ có ít nhất 12 tháng từ thời điểm áp dụng sản xuất hữu cơ; khâu thu hoạch phải có biện pháp loại bỏ nguồn gây ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; thời gian thu hoạch lúa hữu cơ không được trùng với thời gian thu hoạch lúa thông thường…

Hiện nay toàn tỉnh mới có duy nhất vùng chè Tủa Chùa của Công ty TNHH Hương Linh Điện Biên được tổ chức chứng nhận quốc tế CERES chứng nhận sản phẩm chè hữu cơ năm 2019 với tổng diện tích 70ha, sản lượng 24 tấn chè khô/năm. Đây là bước đệm tạo tiền đề cho việc nâng tầm sản xuất để có thể đạt mục tiêu cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ trong thời gian tiếp theo.

Theo ông Trần Sỹ Quân, Phó phòng phụ trách phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thời gian qua, Sở tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên tiêu chuẩn hữu cơ là tiêu chuẩn có yêu cầu và độ khó cao, đòi hỏi sự đầu tư về nguồn vốn, quy mô, cũng như trình độ năng lực của người sản xuất rất cao, vì vậy kết quả đạt được chưa nhiều. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần thông qua hệ thống quản lý nghiêm ngặt về nguồn đất, nước, phân bón, lựa chọn cây giống... Trong khi đó, tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, diện tích đất nông nghiệp còn manh mún, người dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống; năng lực kỹ thuật, chuyên môn về nông nghiệp hữu cơ còn nhiều hạn chế... Mặt khác, do chi phí sản xuất theo hướng hữu cơ cao hơn sản xuất truyền thống nên giá thành cũng cao hơn, dẫn đến khó khăn trong cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp truyền thống.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Đề án Phát triển cây ăn quả giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030, trong đó định hướng ưu tiên phát triển cây ăn quả bản địa có chất lượng và giá trị cao theo hướng hữu cơ; xây dựng dự thảo Quy định chính sách khuyến nông thay thế Quyết định 10/2012/QĐ-UBND ngày 21/5/2012. Theo đó, các tỉnh, thành phố cần xác định sản phẩm lợi thế, lĩnh vực chủ lực, vùng có lợi thế về sản xuất hữu cơ, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án, dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tiêu chuẩn ngành Nông nghiệp. Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương như: Đất đai, hạ tầng, giống, công nghệ sản xuất hữu cơ... phục vụ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Thu Phương
Bình luận
Back To Top