Bước đột phá chuyển dịch cơ cấu cây trồng

09:17 - Thứ Tư, 12/08/2020 Lượt xem: 6526 In bài viết

ĐBP - Một trong những kết quả nổi bật của huyện Mường Ảng trong nhiệm kỳ qua là thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong phát triển nông nghiệp. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, UBND huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cây ăn quả trên một số diện tích cà phê đã già cỗi; triển khai hỗ trợ, hướng dẫn người dân đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay nhiều diện tích đã cho thu hoạch với năng suất tương đối cao, như: Bưởi da xanh, cam Cao Phong, mắc ca… 

Thực hiện chủ trương của huyện, nhiều gia đình ở Mường Ảng đã mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp, cây trồng năng suất thấp sang trồng cây ăn quả chất lượng cao.  Trong ảnh: Người dân bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở chăm sóc vườn bưởi da xanh. Ảnh: C.T.V

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết:  UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; trên cơ sở đó, thực hiện chuyển đổi cơ bản diện tích vườn tạp, lúa nương kém hiệu quả sang trồng rừng sản xuất và trồng cây ăn quả. Đồng thời xây dựng cơ chế hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Điển hình như năm 2017, Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng Quang Hà đã khảo sát, lập dự án phát triển trồng cây ăn quả bằng công nghệ cao, kết hợp trồng rừng sản xuất và đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng diện tích 273ha. Đến nay toàn bộ diện tích bưởi da xanh, cam và rừng sản xuất của doanh nghiệp phát triển tốt, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Đối với diện tích cây ăn quả, từ năm 2016 đến nay, từ các nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình Xây dựng nông thôn mới, huyện Mường Ảng tiến hành xây dựng các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi; hỗ trợ người dân chuyển đổi một phần diện tích nương, vườn tạp, các loại đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như: Xoài Đài Loan, cam, chanh leo với diện tích trên 300ha, trong đó người dân tự đầu tư trên 50ha. Đến nay, toàn bộ diện tích bưởi da xanh, xoài Đài Loan, cam… đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, phát triển tốt. Những diện tích người dân tự đầu tư từ trước hiện nay đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân đã có cuộc sống ổn định từ trồng cây ăn quả.

Búng Lao là một trong những xã đi đầu trong việc chuyện đổi cơ cấu cây trồng của huyện. Đến nay xã Búng Lao đã chuyển đổi gần 130ha đất nương, đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, gồm các loại: Bưởi da xanh, xoài Đài Loan, cam V2... Ông Lò Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Búng Lao cho biết: Được hỗ trợ 100% cây giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm, do đó bà con đồng tình ủng hộ, hăng hái thực hiện và đã bước đầu đem lại hiệu quả nhất định. Ngoài trồng cây ăn quả, năm 2020, xã đã mạnh dạn vận động nông dân chuyển đổi các giống lúa cũ, kém hiệu quả sang sử dụng giống lúa mới như: Đài thơm 8, ADI168... với tổng diện tích 45ha. Cây lúa đang phát triển rất tốt, thích nghi với khí hậu của địa phương. Đi đầu trong chuyển đổi giống lúa cũ, kém hiệu quả là bản Xuân Tre 1, 2; bản Nà Dên và bản Hồng Sọt. Trong 6 tháng đầu năm, Búng Lao là 1 trong 4 xã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chọn triển khai thí điểm 4 mô hình ứng dụng kỹ thuật mới trên cây lúa và ngô; hai loại cây thí điểm đều cho năng suất cao hơn so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Mường Ảng đã khắc phục được tình trạng bỏ hoang đất, nhiều diện tích đất trống đồi trọc được phủ tán rừng sản xuất và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Người dân từng bước đầu tư thâm canh cây trồng, bố trí cơ cấu sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất tăng năng suất lao động. Đến nay đã hình thành một số mô hình sản xuất mới hiệu quả, thiết thực, phù hợp với trình độ canh tác của nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Trong thời gian tới, huyện Mường Ảng xác định tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, phấn đấu đến năm 2025, Mường Ảng sẽ trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh với diện tích 1.000ha; đến năm 2030 đạt từ 1.200 - 1.500ha.

Tú Trinh
Bình luận
Back To Top