Phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công

09:18 - Thứ Năm, 13/08/2020 Lượt xem: 7402 In bài viết

ĐBP - Trong điều kiện khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân 100% vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kiên quyết không để Trung ương phải điều chuyển vốn cho địa phương khác do giải ngân chậm.

Tuyến đường Phì Nhừ - Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông) hoàn thành tạo điều kiện cho người dân thông thương trao đổi nông sản.

Năm 2020, tổng nguồn vốn đầu tư công toàn tỉnh được giao trên 3.005 tỷ đồng (trong đó vốn kế hoạch giao năm 2020 là hơn 2.488 tỷ đồng, còn lại số vốn kế hoạch kéo dài các năm trước). Song do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến tăng trưởng chung của nền kinh tế. Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, chủ đầu tư các dự án tập trung đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đối với các dự án đã giao kế hoạch vốn, khẩn trương khởi công xây dựng, đảm bảo tiến độ giải ngân. Với các dự án đã lựa chọn được nhà thầu thi công, các dự án khởi công mới nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, yêu cầu các địa phương khẩn trương phê duyệt dự án để đáp ứng điều kiện giao kế hoạch vốn. Tính đến hết tháng 7, toàn tỉnh đã giải ngân được hơn 1.227 tỷ đồng (đạt 40,83% kế hoạch), tăng 8,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức bình quân chung cả nước khoảng 4,5 điểm phần trăm. Một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân cao gồm: Vốn trái phiếu Chính phủ đạt 93,91% kế hoạch; vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương bổ sung đạt 63,265 kế hoạch; vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt 48,41% kế hoạch…

Mặc dù kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh cao hơn bình quân chung cả nước và nằm trong tốp các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu. Điều đó làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, việc làm, thu nhập của người lao động, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh và việc huy động các nguồn vốn đầu tư xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân chưa cao, như: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm nhiều công trình phải dừng thi công; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; nhiều dự án vướng vào đất rừng cần chuyển đổi mục đích... Điển hình như dự án đường Mường Luân - Co Kham - Na Hát - Páo Sinh (xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông) có tổng mức đầu tư 24,7 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 2018 - 2020.

Ông Nguyễn Quốc Tiến, Giám đốc Ban Quản lý Dự án huyện Điện Biên Đông cho biết: Hiện nay đoạn đầu tuyến của dự án đang vướng vào đất rừng nên phải tạm dừng thi công để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng sang mục đích khác. Kế hoạch vốn giao năm 2020 của dự án 6,7 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay chưa giải ngân được.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì cũng có nguyên nhân là hầu hết các dự án khởi công mới năm 2020 chậm thực hiện giải ngân thanh toán các tháng đầu năm. Lý do là trong khoảng thời gian này đang tiến hành các bước tư vấn thiết kế, lập dự toán, lựa chọn nhà thầu, chưa có khối lượng nghiệm thu… vì vậy chưa thực hiện giải ngân thanh toán vốn.

Đối với nguồn vốn ODA, mặc dù tỷ lệ giải ngân so với năm trước tăng 4,38 điểm phần trăm và cao hơn 16,26 điểm phần trăm so với bình quân cả nước song vẫn đạt thấp. Theo kế hoạch đầu tư công vốn ODA, vốn vay ưu đãi hơn 582,8 tỷ đồng; trong đó, vốn kế hoạch kéo dài năm trước chuyển sang là gần 151 tỷ đồng, còn lại vốn năm 2020. Đến hết tháng 7, tỷ lệ giải ngân mới đạt hơn 191,4 tỷ đồng, đạt 32,85% kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Phi Sông, để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, chủ đầu tư, chủ dự án thực hiện đồng bộ, quyết liệt chỉ đạo của Trung ương về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết và cam kết tiến độ giải ngân của từng chương trình, dự án; tập trung thực hiện hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước; hoàn thành các thủ tục đầu tư và tổ chức thực hiện đối với các dự án khởi công năm 2020 và thực hiện các thủ tục thanh toán trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu. Kiên quyết xử lý theo quy định đối với các nhà đầu tư không đáp ứng được yêu cầu; loại bỏ các nhà thầu không có năng lực, vi phạm các điều khoản hợp đồng. Đối với nguồn vốn ODA, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân thì Trung ương cần sớm chuyển kinh phí thực hiện năm 2020 của dự án mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn và Chương trình Đô thị miền núi phía Bắc giai đoạn 2. Đối với các dự án được giao kế hoạch vốn đầu tư ngân sách địa phương năm 2020, đến hết tháng 9 nếu có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch, đề nghị xem xét, điều chuyển vốn sang các dự án khác có khả năng thực hiện hết kế hoạch vốn được giao.

Về việc giải ngân các dự án trọng điểm, ông Tô Trọng Thiện, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh - đơn vị chủ đầu tư Dự án đường Na Sang - Trung tâm Huổi Mí - Nậm Mức - thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng (phân đoạn thị trấn Tủa Chùa - Nậm Mức - Huổi Mí) cho biết: Trước đây, dự án gặp khó khăn do vướng vào đất rừng, dẫn đến tiến độ giải ngân vốn gặp khó khăn. Hiện nay, khó khăn cơ bản đã được tháo gỡ, đơn vị cam kết sẽ giải ngân vốn đúng tiến độ kế hoạch và thực hiện trên 70% trước ngày 30/9/2020. Riêng vốn kéo dài năm 2019 chuyển sang (50  tỷ đồng) đến nay đã giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top