Xây dựng Điện Biên Phủ thành đô thị hiện đại, văn minh

09:27 - Thứ Sáu, 14/08/2020 Lượt xem: 6893 In bài viết

ĐBP - Xác định công tác quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, TP. Điện Biên Phủ tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội để phát triển đô thị, chỉnh trang các công trình theo hướng văn minh, hiện đại.

Các tuyến phố chính trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ được đầu tư xây dựng khang trang, rộng rãi, rợp bóng cờ hoa chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

TP. Điện Biên Phủ là đô thị đặc biệt quan trọng của tỉnh trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư, khai thác tiềm năng đất đai và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể hóa mục tiêu xây dựng TP. Điện Biên Phủ trở thành đô thị loại II, năm 2011 UBND tỉnh ban hành Quyết định 733/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng TP. Điện Biên Phủ đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, TP. Điện Biên Phủ được chia thành 4 phân khu đô thị, gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Trung tâm hiện hữu và Trung tâm mới phía Đông. Xác định tầm quan trọng ấy, trong nhiệm kỳ vừa qua thành phố ban hành 4 quyết định phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để thực hiện các công trình, dự án; công bố quy hoạch 4 công trình, dự án; tham gia ý kiến về công tác quy hoạch đối với 5 công trình, dự án; tổ chức cắm mốc quy hoạch 6 công trình, dự án; rà soát quy hoạch đối với các công trình, dự án chậm triển khai thực hiện, đề nghị tỉnh hủy bỏ hoặc điều chỉnh quy hoạch…

Ông Phạm Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ cho biết: Cùng với việc làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; thành phố đặc biệt quan tâm tới đầu tư phát triển và quản lý đô thị. Trong đó, tập trung triển khai xây dựng hoàn thành Chương trình phát triển đô thị TP. Điện Biên Phủ tầm nhìn đến năm 2030; triển khai các công trình dự án, công trình phục vụ phát triển đô thị, như: Dự án đường 60m, Dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường Võ Nguyên Giáp; Dự án đường A1 - C4; Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm và khu nhà ở phường Tân Thanh; các công trình cầu treo, cầu bê tông… Đặc biệt việc triển khai thực hiện xây dựng TP. Điện Biên Phủ thành đô thị loại II được cấp ủy, chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm, bộ mặt đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay các tiêu chí đô thị cơ bản đều đạt các chỉ tiêu tại Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 2 tiêu chí không đạt là quy mô dân số và mật độ dân số. Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sau khi thành phố sáp nhập 4 xã (Nà Tấu, Nà Nhạn, Pá Khoang, Mường Phăng) của huyện Điện Biên thì thành phố cơ bản đáp ứng 50% tiêu chí của đô thị loại II.

Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền thành phố qua 5 năm tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý đô thị theo quy chế quản lý đô thị và quy chế quản lý kiến trúc đô thị, ý thức nhân dân trong việc thực hiện quy chế cũng như nếp sống văn minh đô thị có những chuyển biến mạnh mẽ. Các kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đô thị đạt kết quả tích cực, nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, trên 95% hộ gia đình và tổ chức ký cam kết không vi phạm trật tự đô thị và đất đai. Công tác tổ chức thu gom rác thải, vệ sinh môi trường; hệ thống điện chiếu sáng đô thị, điện sinh hoạt cho nhân dân đảm bảo. Công tác chỉnh trang đô thị, nâng cấp hệ thống giao thông, tín hiệu đèn giao thông, trồng mới cây cảnh, cây xanh đường phố... từng bước được cải tạo tạo nét mỹ quan, hoàn chỉnh trên các tuyến phố. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, thành phố làm mới gần 11,5km điện chiếu sáng đô thị, trồng mới trên 3.000 cây hoa ban. Toàn thành phố hiện có 21.000 cây xanh đô thị; 7.035m2 thảm cỏ; gần 4.000m2 cây hàng rào, đường viền; 3.148 cây cảnh ra hoa, cây cảnh tạo hình… tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Cũng trong thời gian đó, thành phố tập trung quyết liệt chỉ đạo thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để có mặt bằng thực hiện các dự án công trình trên địa bàn, nhất là các công trình trọng điểm, như: Đường 60m; Hạ tầng kỹ thuật khung trên địa bàn phường Him Lam, phường Noong Bua; dự án 2 cầu qua sông Nậm Rốm; chương trình đô thị miền núi phía Bắc... Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư, trong nhiệm kỳ trên địa bàn có 2 khu đô thị được triển khai và đã hoàn thành là Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm và Khu nhà ở phường Tân Thanh có tổng diện tích khoảng 6ha với kinh phí đầu tư của doanh nghiệp 345 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đang triển khai 10 dự án khu dân cư đô thị và các khu, điểm tái định cư với tổng diện tích 350ha, kinh phí đầu tư xây dựng 2.750 tỷ đồng. Cùng với đó thành phố tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội để phát triển đô thị. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước thực hiện 7.587 tỷ đồng; đồng thời tập trung thu hút, kêu gọi các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông đô thị, như: Dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường Võ Nguyên Giáp; dự án Đường nội thị phường Thanh Bình; dự án Cầu bản Him Lam II (phường Him Lam), cầu bản Ta Pô (phường Thanh Trường), cầu bản Phiêng Lơi (xã Thanh Minh) với kinh phí đầu tư trên 220 tỷ đồng. Các công trình văn hóa được đầu tư, như: Quảng trường TP. Điện Biên Phủ; hệ thống đài phun nước hồ Tỉnh ủy; nâng cấp Công viên ven sông Nậm Rốm với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng...

Trước yêu cầu phát triển với mục tiêu đến năm 2025 thành phố cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư cho đô thị được TP. Điện Biên Phủ chú trọng quan tâm, không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị được đầu tư đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt xã hội của người dân. Dáng vóc đô thị của thành phố ngày càng văn minh và hiện đại hơn, cuộc sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top