Tủa Chùa phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết

08:40 - Thứ Hai, 17/08/2020 Lượt xem: 6622 In bài viết

ĐBP - Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, huyện Tủa Chùa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng tập trung liên kết các cơ sở chế biến và bao tiêu sản phẩm.

Sản phẩm quả su su của người dân bản Phô, xã Trung Thu được Hợp tác xã H’Mông bao tiêu.

Bà Vũ Thị Ngọc Ánh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Những năm gần đây, huyện Tủa Chùa đẩy mạnh thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Huyện đã sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp theo Quyết định số 45/2018/QÐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh, nguồn vốn sự nghiệp chương trình nông thôn mới... Tập trung hỗ trợ thực hiện các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích hỗ trợ người dân phát triển các vùng sản xuất tập trung, trồng cây ăn quả, cây dược liệu, thủy sản… theo hướng hàng hóa. Ðến nay trên địa bàn huyện đã hình thành 25 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bước đầu mang lại hiệu quả như: Liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ chè Tuyết Shan của Công ty TNHH Hương Linh quy mô 32ha; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sa nhân xanh, sa nhân tím của Công ty TNHH Giống Lâm nghiệp Tây Bắc; liên kết nuôi trồng, tiêu thụ cá rô phi đơn tính và sản xuất rau, củ, quả an toàn thực phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ Mường Báng; liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm su su, chanh leo, bí đỏ, khoai sọ của Hợp tác xã H’Mông xã Trung Thu; nuôi cá lồng của Hợp tác xã Chăn nuôi thủy sản Tủa Thàng… Những liên kết sản xuất này đã góp phần tạo ra sản phẩm đặc trưng và nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp của huyện. Ðặc biệt trong năm 2019 huyện đã có 3 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu người dân thu lợi nhuận cao hơn, nhất là trồng cây ăn quả mang lợi nhuận gấp nhiều lần so với độc canh cây lúa. Khi sản phẩm được sản xuất theo chuỗi liên kết an toàn thì môi trường canh tác được cải thiện do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, giúp tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường.

Ông Dương Văn Anh, Giám đốc Hợp tác xã H’Mông cho biết: Hợp tác xã liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm su su, chanh leo, bí đỏ, khoai sọ trên địa bàn xã Trung Thu với quy mô gần 30ha. Hợp tác xã đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rau an toàn với các trường, tổ chức, doanh nghiệp và các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện. Có đầu ra ổn định, Hợp tác xã phối hợp với UBND xã Trung Thu tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương từ trồng lúa, ngô năng suất thấp sang trồng rau an toàn. Qua 1 năm triển khai, các hộ tham gia liên kết đều có thu nhập ổn định, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 trồng lúa nương.

Thời gian tới, để tạo động lực cho chuyển đổi sản xuất đúng hướng và hiệu quả cao, ngành Nông nghiệp huyện Tủa Chùa chú trọng chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; sử dụng cây, con giống mới năng suất cao, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu... Tiếp tục mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp, khuyến nông; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông nghiệp của huyện.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top