Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo

09:10 - Thứ Tư, 19/08/2020 Lượt xem: 5909 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, huyện Điện Biên đã tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các mô hình sinh kế, giảm nghèo bền vững, bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Người dân xã Thanh Chăn nhận bò từ chương trình “Ngân hàng bò”.

Chương trình “Ngân hàng bò” được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp UBND huyện Điện Biên triển khai trên địa bàn với mục tiêu giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo thông qua hình thức hỗ trợ bò sinh sản. Mỗi hộ nghèo được tặng một con bò giống sinh sản, sau khi bò đẻ lứa đầu, hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con từ 6 đến 12 tháng tuổi, rồi chuyển giao bê con cho Hội Chữ thập đỏ để tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo khác. Sau khi trao lứa bê đầu tiên, hộ hưởng lợi được hoàn toàn sở hữu bò mẹ. Để mô hình đạt hiệu quả, tiêu chí chọn đối tượng hưởng lợi từ chương trình là những hộ nghèo có sức lao động, có chuồng trại và cam kết chăn nuôi phát triển. Gia đình chị Lò Thị Tâm, bản Ta Lếch, xã Thanh Chăn là một trong những hộ được hỗ trợ bò giống từ chương trình. Chị Tâm cho biết: “Sau 1 năm chăm sóc, bò đã sinh sản và bê con được luân chuyển cho hộ khác, nhà tôi được giữ bò mẹ. Đến nay bò mẹ đẻ thêm được 8 con, gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà còn có tài sản lớn là đàn bò khỏe mạnh”.

Qua 10 năm triển khai thực hiện, mô hình “Ngân hàng bò” đã được nhân rộng, trao hi vọng cho các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Anh Nguyễn Minh Chính, đội 7, xã Thanh Chăn cho biết: “Đợt này, tôi là một trong những hộ được nhận bò chuyển giao. Trước khi nhận bò gia đình tôi đã chuẩn bị chuồng nuôi, nguồn thức ăn đảm bảo. Tôi hi vọng gia đình sẽ sớm thoát nghèo”.

Đến nay, chương trình đã trao hàng trăm con bò giống cho người nghèo trên địa bàn huyện Điện Biên. Tính riêng tại xã Thanh Chăn, từ năm 2010 đến nay, chương trình đã hỗ trợ 50 con bò giống cho 50 hộ gia đình, đến nay đã luân chuyển được 56 con bê cho các hộ nghèo khác, giúp cho 85 hộ thoát nghèo.

Một trong những mô hình sinh kế khác có hiệu quả là mô hình trồng ngô lai trên địa bàn xã Thanh Xương. Năm 2020, HTX Nông nghiệp Thanh Xương phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh xây dựng mô hình thí điểm trồng giống ngô lai DK 6919 trên diện tích hơn 5ha tại đội 5 và đội 6. Qua hơn 3 tháng triển khai (từ tháng 4 - 7), giống ngô lai thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, chịu hạn khá, ít sâu bệnh, chiều cao đóng bắp trung bình nên khả năng chống đổ tốt; thời gian sinh trưởng ngắn, thời gian trổ cờ tập trung, bộ lá xanh mềm cho đến khi thu hoạch nên có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc. Về năng suất giống ngô này đạt 68 tạ/ha, cao hơn giống ngô truyền thống từ 8 - 10 tạ/ha; mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn giống ngô đối chứng từ 4 - 5 triệu đồng/ha.

Anh Lò Văn Điện, đội 6, xã Thanh Xương cho biết: “Triển khai mô hình trồng ngô lai, chúng tôi được cán bộ kỹ thuật chỉ đạo sát sao từ khâu trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Năng suất và hiệu quả giống ngô này hơn hẳn giống cũ. Trước đây với diện tích 1.000m2 giống ngô truyền thống cần khoảng 4kg giống, nhưng giống ngô lai DK 6919 chỉ cần 1,5kg.”

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều chương trình lồng ghép phát triển sản xuất được huyện Điện Biên triển khai hiệu quả trong những năm qua. Những mô hình này đã được triển khai nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Nếu như năm 2015, toàn huyện còn 29,3% hộ nghèo thì đến năm 2019 giảm xuống còn 12,86% và dự kiến hết năm 2020 còn 10,82% (bình quân giảm 4,04%/năm).

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top