Cảnh giác với những giao dịch cho vay tiền dễ dàng

08:23 - Thứ Năm, 20/08/2020 Lượt xem: 5854 In bài viết

ĐBP - Cho vay nặng lãi hay còn gọi là “tín dụng đen” là vi phạm pháp luật, làm lợi bất chính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, thậm chí dẫn đến những vụ án nghiêm trọng.

Quảng cáo, rao vặt, cho vay thủ tục đơn giản tiềm ẩn nguy cơ nặng lãi, tín dụng đen.

Xuất phát từ một số người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không có tài sản thế chấp, hoặc không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức mà nhiều người đã vay ngoài. Trong khi vay tiền tại các ngân hàng điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu đầy đủ các giấy tờ, thủ tục cần thiết và thường phải có tài sản thế chấp, thì các gói vay theo kiểu “tín dụng đen” lại đa dạng, thủ tục nhanh gọn, đơn giản, thậm chí không cần thế chấp. Do những tiện ích trước mắt, thiếu hiểu biết về pháp luật mà nhiều người đã rơi vào cảnh khánh kiệt, nợ nần không có hồi kết.

Tại Điện Biên, tình trạng này chưa phổ biến song đã xảy ra những vụ việc gây mất an ninh trật tự. Điều đáng nói là khi được hỏi nhiều người vẫn chưa hiểu như thế nào là “cho vay nặng lãi”, “tín dụng đen” và cho vay với lãi suất bao nhiêu thì phạm tội? Do đó, các cấp, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật để người dân, đặc biệt là người dân nghèo, vùng sâu, xa nắm được các quy định của pháp luật.

Theo Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017) quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…”. Như vậy, lãi suất tháng sẽ không được vượt quá mức: 20% : 12 tháng = 1,666%/tháng. Điều 201 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.

Như vậy, khi đối tượng cho vay với mức lãi suất năm từ 100% (20% x 5) trở lên hoặc lãi suất tháng từ 8,33% (1,666% x 5) là vi phạm pháp luật.

Ngoài quy định phạt tiền hoặc phạt tù như đã nêu trên thì người cho vay nặng lãi  còn có thể bị phạt bổ sung: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Hiện nay, không khó để bắt gặp những tờ rơi, biển quảng cáo cho vay không thế chấp với lãi suất ưu đãi, nhanh gọn được dán trên các cột điện, tường bao bên đường hoặc khu dân cư. Việc cho vay thường không thể hiện lãi suất trên hợp đồng vay vốn, và cũng không thực hiện công chứng hợp đồng, thậm chí còn ngụy tạo mua bán bất động sản để thay cho hợp đồng “tín dụng đen”, vì thế gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này.

Cách đây gần một năm, Tòa án Nhân dân tỉnh đã xét xử vụ án hình sự đối với 4 bị cáo: Nguyễn Mạnh H., Nguyễn Đức H., Dư Tùng D., Dương Minh Đ. về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Nạn nhân của các đối tượng này có tới trên 60 người; trong đó người cao tuổi nhất là 60 tuổi, và thấp nhất là 19 tuổi. Theo hồ sơ vụ án, mặc dù chỉ được cấp giấy phép kinh doanh cho vay, cầm đồ nhưng trong thời gian từ tháng 3/2018 - 4/2019, 4 đối tượng trên đã thực hiện 93 giao dịch dân sự có tài sản thế chấp và không có tài sản thế chấp cho 58 cá nhân vay tiền với mức lãi suất từ 1 nghìn đồng đến 3 nghìn đồng/1 triệu/1 ngày (vượt mức lãi suất cao nhất được quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015), thu lợi bất chính trên 600 triệu đồng. Tòa án Nhân dân tỉnh tuyên phạt Nguyễn Mạnh H., Nguyễn Đức H., Dư Tùng D. mỗi bị cáo 7 tháng tù về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; tuyên phạt bị cáo Dương Minh Đ. 18 tháng cải tạo không giam giữ. Áp dụng Khoản 3, Điều 201, Bộ luật Hình sự, phạt bổ sung bị cáo Nguyễn Mạnh H. 40 triệu đồng để sung vào ngân quỹ Nhà nước, cấm bị cáo H. hoạt động hành nghề cho vay cầm đồ trong thời hạn 3 năm. Đồng thời Tòa án yêu cầu bị cáo Nguyễn Mạnh H. phải có nghĩa vụ trả lại cho 54 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan với tổng số tiền trên 600 triệu đồng.

Đây chỉ là một trong những vụ án Tòa án Nhân dân tỉnh đã xét xử về tội cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đó là bài học cảnh tỉnh cho những ai muốn làm giàu bất chính bằng cho vay lãi suất cao và những ai có ý định đi vay lãi ngày, nhanh gọn, vay không thế chấp.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top