Tín dụng ngân hàng đẩy lùi cho vay nặng lãi

08:24 - Thứ Năm, 20/08/2020 Lượt xem: 5572 In bài viết

ĐBP - Thực tế hiện nay cho thấy “tín dụng đen” đang có diễn biến phức tạp, gây bất ổn cho thị trường tài chính và mất an toàn xã hội. Để hạn chế và đẩy lùi “tín dụng đen”, hệ thống ngân hàng đã và đang đẩy mạnh phát triển các loại hình, tăng nguồn cung tín dụng, nới lỏng các điều kiện cho vay… để người dân có điều kiện tiếp cận các loại hình tín dụng chính sách, tín dụng ưu đãi.

Điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng của Agribank Điện Biên đã mang nguồn vốn tín dụng đến gần hơn với người dân. Trong ảnh: Giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên.

Tuyên chiến với “tín dụng đen”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Ngay sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg. Trong đó, tập trung tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thống tốt hơn. Thực hiện nội dung này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Điện Biên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, thay đổi nhận thức của người dân về tài chính tiêu dùng… từ đó giúp người dân tìm đến các tổ chức tài chính ngân hàng thay vì tìm đến các tổ chức “tín dụng đen”. Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Điện Biên cho biết: Ngân hàng đã quyết liệt triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế ảnh hưởng của “tín dụng đen”. Trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện gói tín dụng 5.000 tỷ đồng nhằm ngăn ngừa các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, hạn chế tối đa nạn “tín dụng đen” trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, các mục đích tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình trong thời gian ngắn hạn đều được đáp ứng, thời gian thẩm định, xét duyệt cho vay đều được rút ngắn. Đặc biệt, đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp và cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng, thời gian sử dụng vốn ngắn hạn như: Mua đồ dùng trang thiết bị gia đình, chi phí học tập, khám chữa bệnh… và chứng minh được nguồn trả nợ, đáp ứng đầy đủ các điều kiện tín dụng theo quy định hiện hành, đơn vị áp dụng phương thức cho vay và giải ngân linh hoạt, áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, ưu tiên thực hiện xét duyệt và giải ngân trong ngày… Tính đến 31/7, doanh số cho vay gói tín dụng tiêu dùng theo chương trình tín dụng đẩy lùi “tín dụng đen” của đơn vị đã đạt 40,5 tỷ đồng với 956 khách hàng vay vốn. Ngoài ra, bên cạnh 19 điểm giao dịch cố định, hiện nay Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên cũng đang mở rộng “kênh” phân phối bằng việc triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng, khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho “tam nông” ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, tạo cơ hội cho các hộ thu nhập thấp không có tài sản thế chấp tiếp cận được nguồn vốn vay với thủ tục đơn giản, tiện lợi. Tính đến 31/7, dư nợ đầu tư cho nông nghiệp nông thôn của Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên đạt 4.767 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng dư nợ cho vay.

“Người dân tìm đến tín dụng đen đôi khi chỉ vì chưa nhận thức đầy đủ về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cũng như những tác hại của việc vay nóng từ các tổ chức tín dụng đen. Việc truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của “tín dụng đen”, về các sản phẩm tiện ích phù hợp của ngân hàng dành cho người dân là hết sức cần thiết. Vì vậy, cán bộ Agribank luôn bám sát địa bàn, nắm bắt nhu cầu vốn của khách hàng, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ… và các cơ quan truyền thông để phổ biến kịp thời giúp người dân nắm bắt đầy đủ chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng” - ông Phương cho biết thêm.

Từ lâu, nguồn vốn tín dụng chính sách đã là động lực để người nghèo và các đối tượng yếu thế có điều kiện tự lực vươn lên, thay đổi nhận thức, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Không chỉ vậy, nguồn vốn này còn đang góp phần tích cực ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, đẩy lùi “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn. Ông Lò Kiên Trinh, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Tuần Giáo, cho biết: Để ngăn chặn “tín dụng đen”, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền, 4 đoàn thể nhận ủy thác tăng cường tuyên truyền tín dụng ưu đãi, tín dụng chính sách tới người dân. Ngoài ra, trong các buổi giao dịch tại xã, cán bộ ngân hàng cũng là những tuyên truyền viên tích cực tới người dân về vấn nạn “tín dụng đen”; đồng thời, khảo sát nắm bắt nhu cầu vay vốn tín dụng của người dân… Theo thông tin từ cơ sở, đặc biệt là tại các xã vùng sâu vùng xa, tín dụng chính sách đã giải quyết tương đối thỏa đáng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn. Đến nay, Tuần Giáo có 14.885 hộ, chiếm 80% tổng số hộ của huyện được vay vốn lãi suất ưu đãi từ các chương trình cho vay theo quy định của Chính phủ, với tổng dư nợ hơn 498 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của lực lượng chức năng, người vay “tín dụng đen” thường là những đối tượng vi phạm về hình sự, tệ nạn xã hội như: Cờ bạc, lô đề… đã vay nợ nhiều nơi, nhiều lần nên khó có khả năng tiếp cận với các nguồn tín dụng ngân hàng. Điều này có nghĩa rằng, trong xã hội luôn tồn tại những người có nhu cầu vay vốn không chính đáng trong khi hệ thống các ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu đó. Vì vậy để có thể giải quyết triệt để “tín dụng đen” cần nhiều giải pháp đồng bộ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội… chứ không thể chỉ ngành ngân hàng giải quyết.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top