Nông sản Điện Biên chưa tiếp cận thương mại điện tử

14:37 - Thứ Sáu, 21/08/2020 Lượt xem: 6997 In bài viết

ĐBP - Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc quảng bá, mở rộng thị trường, là con đường ngắn và hiệu quả nhất đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa nắm bắt và khai thác hết lợi thế của TMĐT mà chủ yếu tiêu thụ sản phẩm qua các kênh bán hàng truyền thống. 

Gian hàng nông sản Điện Biên tham gia hội chợ thương mại tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Trung

Tỉnh ta có nhiều nông sản đặc trưng theo vùng miền, địa phương và các dân tộc. Từ năm 2019, triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các nông sản đặc trưng từng bước được chuẩn hóa, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư. Một số sản phẩm đã dần khẳng định được thương hiệu và tìm được chỗ đứng trên thị trường, như: Gạo Điện Biên, cà phê Mường Ảng, chè Tủa Chùa. Những sản phẩm đặc sản khác đang được các địa phương chuẩn hóa theo tiêu chuẩn OCOP như: Rượu Mông pê (Tủa Chùa); vú sữa Thanh Hưng (huyện Điện Biên); mật ong Chà Nưa (huyện Nậm Pồ)… Hiện nay hầu hết doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm qua các kênh truyền thống, như: Phân phối qua đại lý, mở cửa hàng, tham gia hội chợ, đưa hàng vào các siêu thị... Trong khi đó doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thấy hết hiệu quả mà kênh TMĐT mang lại nên thiếu sự quan tâm, đầu tư để khai thác tối đa thế mạnh của loại hình kinh doanh này.

Anh Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Hợp tác xã Ong mật Điện Biên cho biết: Từ khi sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP chuẩn 4 sao, giá trị tăng lên, được nhiều đối tượng khách hàng biết đến. Tuy nhiên, Hợp tác xã vẫn đang bán hàng qua các kênh truyền thống như: Mở các đại lý phân phối ở ngoài tỉnh, tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh… Do đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chỉ bó hẹp tại các tỉnh khu vực Tây Bắc và một vài tỉnh ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Chúng tôi đã tìm hiểu và nhìn nhận được xu hướng thị trường trong thời đại 4.0 thì việc đăng ký đưa nông sản lên các sàn TMĐT là phương án tối ưu. Thực tế, đơn vị đã ký hợp đồng với 2 sàn TMĐT, gồm: Postmart.vn (Bưu điện Việt Nam) và Sendo.vn (Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ) để các sản phẩm mật ong lên sàn. Song để vận hành hiệu quả hình thức kinh doanh này cần đào tạo nhân lực có chuyên môn về lĩnh vực TMĐT. Trong khi hợp tác xã đang gặp khó trong việc bố trí nhân sự phù hợp. Từ nay đến cuối năm, hợp tác xã sẽ cố gắng hoàn thiện các điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm mật ong Điện Biên lên các sàn giao dịch điện tử.

Ông Trịnh Duy Đông, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Sàn TMĐT là hình thức kinh doanh tiên tiến trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giúp sản phẩm có thể phủ khắp thị trường cả nước, dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn. Sàn TMĐT giúp khắc phục hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông và nguồn lực doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thấy hết hiệu quả mà kênh TMĐT mang lại nên thiếu sự quan tâm, đầu tư để khai thác. Số ít đơn vị quan tâm thì lại chưa đủ nguồn lực để vận hành tốt hình thức kinh doanh này. Hiện nay, một số tỉnh đã có sàn TMĐT riêng, còn tỉnh ta do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa thể mở sàn giao dịch điện tử. Hàng năm, trên cơ sở kinh phí tỉnh cấp, ngoài việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, Trung tâm chỉ tổ chức 1 lớp đào tạo, bồi dưỡng để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận về lĩnh vực TMĐT. Năm 2020, Trung tâm đang triển khai hỗ trợ 5 website bán hàng đa kênh cho 5 doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP.

Từ cuối năm 2018, một số mặt hàng nông sản Điện Biên đã được đăng ký và đưa lên sàn TMĐT Postmart.vn do Bưu điện tỉnh Điện Biên vận hành và khai thác. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng trên 100 sản phẩm nông nghiệp được đăng ký và có mặt trên sàn giao dịch, song chủ yếu là sản phẩm của một cá nhân hoặc cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp lớn chưa biết và chưa đăng ký tham gia. Đặc biệt 100% sản phẩm OCOP chưa được đăng ký lên sàn Postmart.vn.

Chị Trần Thị Thanh Phương, cán bộ phòng Kinh doanh (Bưu điện tỉnh) cho biết: Sau 2 năm hoạt động, sàn giao dịch điện tử Postmart.vn cho thấy sự hiệu quả, tiện lợi trong giới thiệu, quảng bá và bán nông sản Điện Biên ra thị trường. Kinh doanh trên nền tảng số, thị trường nông sản Điện Biên được mở rộng khắp các địa phương trong nước, tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích, song để tận dụng, khai thác hiệu quả cần sự đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời các doanh nghiệp cần đổi mới, cách làm phù hợp với thời đại thương mại số hóa.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top