Mường Nhé thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

14:39 - Thứ Sáu, 21/08/2020 Lượt xem: 5288 In bài viết

ĐBP - Thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, những năm qua, huyện Mường Nhé đã và đang tích cực huy động mọi nguồn vốn đầu tư triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Từ đó, tạo thêm tư liệu sản xuất, từng bước nâng cao giá trị kinh tế cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Sản phẩm tinh dầu sả Java do Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Suối Voi, bản Suối Voi (xã Leng Su Sìn) sản xuất.

Xác định kinh tế nông - lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, vì thế trên cơ sở nguồn vốn đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án (Chương trình 30a, 134/CP, 135/CP, Đề án 79...) cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé tập trung xây dựng hạ tầng thiết yếu nhằm tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện hiện có 59 công trình thủy lợi, tổng chiều dài kênh gần 113,3km; hỗ trợ cây, con giống, nông cụ sản xuất... tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, huyện cũng huy động sự vào cuộc thiết thực của các cấp, ngành trong việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cây trồng, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; quy hoạch các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung.

Ông Vũ Hoài Nam, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Để mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tái cơ cấu nền nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện lồng ghép nguồn hỗ trợ từ các chương trình dự án: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình mục tiêu quốc gia, Quyết định 45/2018/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh và các nguồn vốn khác... huyện đã chỉ đạo 11/11 xã quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung; vận động người dân chuyển từ hình thức chăn nuôi thả rông, nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại theo hướng bền vững. Đồng thời, bảo tồn, phát triển giống vật nuôi lợn bản địa (lợn cắp nách), khuyến khích các loại hình sản xuất chăn nuôi khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị. Giai đoạn 2017 - 2019, ước thực hiện đến hết năm 2020, huyện Mường Nhé sẽ hỗ trợ 1.061 con trâu, bò giống cho các hộ gia đình chăn nuôi theo hình thức nhóm hộ (nâng tổng đàn trâu, bò năm 2020 ước đạt hơn 15.000 con; đặc biệt giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi theo giá hiện hành ước đạt hơn 70 tỷ đồng).

Đối với sản xuất cây lương thực và cây công nghiệp, huyện Mường Nhé áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bước đầu mang lại những chuyển biến tích cực về cơ cấu giống, các giống cũ bị thoái hóa dần được thay thế bằng các loại giống mới có chất lượng cao. Đặc biệt, huyện triển khai liên kết sản xuất cây cao su giữa người dân và Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé - Điện Biên bằng hình thức góp đất, với tổng diện tích 1.177,9ha, tới nay đã có 303,43ha cho sản phẩm, sản lượng đạt 260 tấn mủ quy khô. Đồng thời, huyện cũng thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng có hiệu quả thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn (chuyển đổi 3,1ha đất trồng lúa sang trồng hoa tại xã Nậm Kè, dự kiến năm 2020 diện tích mở rộng lên 4,1ha). Nhận thấy sa nhân tím là loại cây thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân lại có giá trị kinh tế cao; huyện Mường Nhé đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân xã Sín Thầu trồng sa nhân tím với tổng diện tích 26ha (kinh phí thực hiện gần 766,5 triệu đồng); hỗ trợ chuyển đổi sang trồng 130,6ha cây sả Java... Anh Chang Pó Cà, bản A Pa Chải (xã Sín Thầu) chia sẻ: “Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, tận dụng lợi thế tiềm năng đất rừng, năm 2016 gia đình tôi mạnh dạn trồng thử nghiệm gần 2ha cây sa nhân tím dưới tán rừng. Tới nay, nhờ thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc và điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp nên gần 20% diện tích sa nhân tím nhà tôi đã cho thu hoạch, xuất bán với giá thành cao (khoảng 300.000 đồng/kg quả khô), tạo nguồn thu nhập đáng kể giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống”.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Mường Nhé tiếp tục quy hoạch sản xuất nông - lâm nghiệp theo từng vùng tập trung, phát triển mạnh cây đặc sản, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn nhằm thu hút đầu tư và thuận lợi cho tiêu thụ. Đồng thời, huyện đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, chất lượng đã được tổng kết, đánh giá từ thực tiễn. Tăng cường quảng bá, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm; thu hút các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt liên kết “4 nhà”... Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm; đặc biệt nâng tổng sản lượng lương thực có hạt lên 17.900 tấn, tốc độ phát triển đàn gia súc đạt 4%/năm, góp phần đem lại cuộc sống ổn định cho đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới Mường Nhé.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top