Xóa đói giảm nghèo bền vững

Khi chính quyền và người dân cùng vào cuộc

09:53 - Thứ Bảy, 22/08/2020 Lượt xem: 5604 In bài viết

ĐBP - Từ một huyện khó khăn bậc nhất cả nước, sau gần 20 năm xây dựng và đổi mới, diện mạo nông thôn mới huyện Mường Nhé đã từng bước “thay da đổi thịt”. Có được kết quả như vậy, ngoài sự đầu tư của Ðảng và Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương còn có sự chung sức đồng lòng của mỗi người dân trong đổi mới tư duy sản xuất, canh tác, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Già làng Pờ Dần Sinh, bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu vận động nhân dân phát triển các mô hình kinh tế, ổn định cuộc sống.

Thay đổi nhận thức

Là địa bàn biên giới, xa xôi nhất của tỉnh, huyện Mường Nhé phải đối diện với nhiều vấn nạn tiềm ẩn về di dịch cư tự do, xuất cảnh trái phép, tuyên truyền đạo trái pháp luật... gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, do lối canh tác lạc hậu, manh mún, một bộ phận người dân còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước dẫn tới tỷ lệ hộ đói nghèo cao (năm 2015 là 74,02%). Để giúp người dân xóa đói giảm nghèo, ổn canh, ổn cư, huyện Mường Nhé xác định nhiệm vụ tiên quyết là phải xóa nghèo từ nhận thức cho bà con. Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé chia sẻ: Để tạo dựng lòng tin trong nhân dân, trước hết cần khắc phục tư tưởng trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại trong chính cán bộ, đảng viên. Đây được xem là bước ngoặt, tạo đột phá trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, huyện cũng mạnh tay, ngăn chặn triệt để những vấn đề nổi cộm, tồn tại, phát sinh ngay từ nhận thức, hành động của những người triển khai thực hiện chính sách: “đội” giá cây, con giống hỗ trợ; không khảo sát thực tế dẫn đến hỗ trợ không phù hợp, gây bức xúc trong dư luận... Ngoài ra, huyện cũng huy động các cấp, các ngành, đẩy mạnh việc tuyên truyền qua các cuộc họp bản, loa phát thanh - truyền hình; tuyên truyền miệng... nhất là những nội dung liên quan đến chính sách dân tộc, từ đó thúc đẩy ý chí cũng như khát vọng vươn lên của người nghèo; đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Điển hình như xã Sín Thầu, nhờ làm tốt việc tuyên truyền, cán bộ, đảng viên luôn gần dân, trọng dân; tích cực vận động nhân dân phát triển kinh tế, đổi mới phương thức sản xuất, canh tác nên đời sống nhân dân ngày càng no ấm đủ đầy hơn. Ông Pờ Chinh Phạ, quyền Chủ tịch UBND xã Sín Thầu chia sẻ: Mặc dù là xã biên giới, nhưng Sín Thầu luôn đứng tốp đầu trong phát triển kinh tế của huyện. Những năm qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, triển khai đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các chính sách hỗ trợ của Chương trình 30a, Chương trình 135/CP, Đề án 79... xã đã huy động sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân trong xóa đói giảm nghèo bền vững. Với sự đồng cam cộng khổ của cấp ủy, chính quyền xã, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nhân dân Sín Thầu tận dụng tiềm năng, thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, trang trại, gia trại: Trồng và chăm sóc rừng; trồng cây sa nhân dưới tán rừng... Từ thu nhập bình quân thấp, tỷ lệ đói nghèo cao (trên 60% năm 2015), tới nay thu nhập bình quân toàn xã Sín Thầu đạt 700 - 800 nghìn đồng/người/tháng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 38,9%, xã đã đạt 17/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2020.

Huy động sức dân

Xác định phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững là mục tiêu quan trọng để giúp người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới ổn canh, ổn cư. Vì thế, những năm qua huyện Mường Nhé huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, khơi gợi ý chí, khát khao dựng xây của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là tinh thần dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được hưởng thụ”... Trên cơ sở nguồn vốn đầu tư của Trung ương thông qua các chương trình, dự án; cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế; cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác. Huyện đã huy động sự vào cuộc tích cực của nhân dân tập trung sản xuất, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế điểm về cây trồng, vật nuôi: Trồng 1.177,88ha cây cao su; dự án cây mắc ca công nghệ cao, vốn đầu tư 2.242 tỷ đồng; hình thành hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu: Sa nhân, tinh dầu sả; phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa... Với phương châm không để đất nghỉ, huyện làm tốt việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng hiện có, trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng trên 5.000ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 52,82% năm 2020. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 74,02% (năm 2015) giảm xuống còn 58,43% năm 2020.

Cùng với tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương; ưu tiên thực hiện các phần việc có tính khả thi và tạo sức lan tỏa trong nhân dân. Đặc biệt là đề cao vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vận động bà con nhân dân, chung sức đồng lòng khắc phục khó khăn. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện Mường Nhé huy động nhân dân tích cực tham gia hiến kế, hiến công, hiến đất chung sức hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, huyện tập trung thực hiện các tiêu chí gắn liền với đời sống, phong tục tập quán của người dân, như: Xóa đói giảm nghèo; giải quyết việc làm; kết cấu hạ tầng, môi trường...

Với sự quyết tâm cao của các cấp, ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, tới nay bình quân các xã của huyện Mường Nhé đạt 8,6 tiêu chí nông thôn mới, tăng bình quân 0,5 tiêu chí/xã so với cùng kỳ năm trước. Dự ước đến cuối năm 2020 huyện Mường Nhé có 3 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 10,5 tiêu chí/xã, vượt 2,8% tiêu chí so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Từ đó, góp phần khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững; tạo tâm thế ổn định, vững vàng nơi biên cương cực Tây Tổ quốc.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top