Sớm khắc phục sai sót trong giao đất, giao rừng

10:21 - Thứ Bảy, 22/08/2020 Lượt xem: 6720 In bài viết

ĐBP - Chủ trương, chính sách giao đất gắn liền với giao rừng góp phần ổn định đời sống, tạo việc làm cho những hộ dân sống bằng nghề rừng; đồng thời quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có và đẩy mạnh trồng rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Tuy nhiên quá trình giao đất giao rừng thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế như: Giao lẫn diện tích rừng sang địa giới hành chính của huyện khác; cùng một diện tích giao cho 2 chủ rừng quản lý…

Cán bộ Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé và chủ rừng cộng đồng bản Huổi Đanh, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) kiểm tra diện tích giao đất giao rừng ngoài thực địa. Ảnh: C.T.V

Thực hiện Kế hoạch 388/KH-UBND ngày 20/2/2013 của UBND tỉnh về rà soát, hoàn chỉnh thủ tục để giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2015, chính quyền cấp huyện đã tích cực triển khai thực hiện. Theo báo cáo số 279/BC-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh, toàn tỉnh đã thực hiện giao đất, giao rừng cho 4.639 tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích đất hơn 328.126ha (đạt 54,5% kế hoạch); trong đó đất lâm nghiệp có rừng hơn 311.189ha và đất lâm nghiệp chưa có rừng hơn 16.936ha.

Việc giao đất, giao rừng đã giúp cho chính quyền các cấp theo dõi, quản lý tốt diện tích rừng hiện có. Sau khi được giao rừng, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đã thành lập các ban quản lý rừng cộng đồng và tổ tuần tra bảo vệ rừng. Chính sách giao rừng và dịch vụ môi trường rừng đã gắn quyền lợi, trách nhiệm, khuyến khích được người dân, cộng đồng nhận quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện giao đất, giao rừng tại một số địa phương còn chưa chặt chẽ, chưa chính xác dẫn đến phát sinh mâu thuẫn về đất đai giữa các cộng đồng giáp ranh; một số cộng đồng đã kiến nghị chia lại số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cùng với đó, quyết định giao đất, giao rừng cho các chủ rừng ở một số huyện còn chồng lấn diện tích, thậm chí chồng lấn diện tích rừng sang địa giới hành chính của huyện khác; một diện tích rừng nhưng giao trùng lặp cho 2 chủ rừng cùng quản lý; sai khác thông tin, vị trí giữa quyết định với ngoài thực địa. Do có những sai sót trong quá trình thực hiện nên khi kiểm tra, rà soát lại thì một số nơi giao không đúng với thực địa với tổng diện tích hơn 8.406ha; trong đó giao vào đất ở là 13,76ha, vào đất nông nghiệp hơn 4.302ha, vào đường giao thông 26,30ha; vào sông suối, ao hồ 15,26ha…

Qua kiểm tra, xác minh diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng biến động năm 2019 trên địa bàn các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, TX. Mường Lay và TP. Điện Biên Phủ; các diện tích rừng biến động giảm hơn 450ha. Nguyên nhân do quá trình giao đất, giao rừng của các cơ quan chức năng cho các chủ rừng, các đơn vị tư vấn đã khoanh vẽ vào đất trống, nhà ở, ao, ruộng, diện tích không có rừng. Ví dụ: Ngày 21/2/2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng kiểm tra, xác minh diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn 2 bản Ho Cang và Huổi Luân, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) phát hiện 16,6/79ha của bản Huổi Luân và 0,4/54ha của bản Ho Cang nằm ngoài địa giới hành chính TX. Mường Lay.

Không chỉ giao đất, giao rừng nhầm địa giới hành chính, thực tế còn xảy ra tình trạng chồng lấn diện tích giao giữa các chủ rừng, hay trên văn bản là giao rừng nhưng ngoài thực địa là đất nông nghiệp. Tháng 3/2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng kiểm tra, xác minh diện tích các lô rừng giao chồng lấn trên địa bàn 2 bản Tà Pung 1 và Tà Pung 2 (nay đã sáp nhập thành 1 bản Tà Pung), xã Nà Nhạn (TP. Điện Biên Phủ). Theo đó diện tích rừng giữa chủ rừng là cộng đồng bản Tà Pung với các hộ dân Quàng Văn Hoan, Quàng Văn Món, Tòng Văn Đăm… cùng bản Tà Pung có chồng lấn với nhau. Các lô: k, i, f , e khoảnh 2, tiểu khu 705 và lô g2 khoảnh 8, tiểu khu 696b đang chồng lấn diện tích với các lô từ a2 - a6 khoảnh 2, tiểu khu 705 và lô a khoảnh 8, tiểu khu 696, với diện tích chồng lấn 19,61ha. Còn trên địa bàn huyện Điện Biên, qua kiểm tra, xác minh diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng xã Mường Pồn thì kết quả biến động giảm thực tế hơn 173ha. Nguyên nhân chủ yếu do đơn vị thực hiện đã khoanh vẽ vào đất nông nghiệp, chồng lấn giữa các diện tích với nhau.

Kế hoạch 388 của tỉnh về giao đất, giao rừng nhằm khắc phục hạn chế tình trạng giao rừng không giao trên thực địa theo Nghị định 163. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều diện tích đất, rừng đã được giao nhưng chưa sát thực tế; thậm chí nhiều chủ rừng được giao nhưng không biết cụ thể ranh giới, mốc rừng được giao mà chỉ biết ở khu, khoảnh rừng. Việc giao đất, giao rừng sai sót, chồng lấn, sai địa giới hành chính không chỉ làm giảm hiệu quả, mục đích tăng cường quản lý và bảo vệ rừng mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân. Điển hình là diện tích rừng chồng lấn giữa cộng đồng bản Tà Pung với một số hộ dân hiện nay chưa được chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Theo bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, để chủ rừng được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm qua và những năm tiếp theo đúng diện tích, bản Tà Pung cần sớm cung cấp bản đồ giao đất giao rừng để có căn cứ, cơ sở chi trả cho chủ rừng. Đối với diện tích chồng lấn, đơn vị sẽ chưa chi trả tiền và khi cơ quan chức năng giải quyết mới tiến hành chi trả. Cơ quan chuyên môn, chính quyền xã Nà Nhạn, các chủ rừng cần xác định rõ vị trí, diện tích, chủ rừng quản lý tại thực địa; tham mưu thu hồi quyết định đối với diện tích chồng lấn; giao đất, giao rừng đúng vị trí, diện tích thực tại để các chủ rừng quản lý và được hưởng lợi từ rừng.

Trong giai đoạn 2019 - 2023, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện rà soát hơn 31.772ha đất lâm nghiệp có rừng và hơn 334.854ha chưa có rừng chưa thực hiện giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Để hoàn thành mục tiêu thì ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, các địa phương cần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn trước. Đồng thời, giao rừng, cho thuê rừng theo đúng rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định 1208/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 và quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013. Các chủ rừng, chủ đất cần xác nhận diện tích rừng, diện tích đất được giao trên bản đồ và ngoài thực địa.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top