Việc cần làm để loại bỏ chăn nuôi trong khu dân cư

12:05 - Chủ Nhật, 23/08/2020 Lượt xem: 5995 In bài viết

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi. Theo đó, nếu chăn nuôi ở khu vực cấm, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng như trang trại sẽ bị xử phạt với mức từ 2 triệu đến 25 triệu đồng... Quy định như vậy là cần thiết để tạo cơ sở hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, đồng thời tiến tới loại bỏ tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, có nguy cơ gây dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Cần sớm chấm dứt tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, không nằm trong quy hoạch.

Chấm dứt chăn nuôi nhỏ lẻ

Dự thảo Nghị định mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa trình Thủ tướng Chính phủ quy định: Nông hộ chăn nuôi tại khu vực không được phép sẽ bị phạt từ 2 triệu - 3 triệu đồng; đối với trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ, hành vi này bị phạt từ 10 triệu - 15 triệu đồng và với trang trại quy mô lớn chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi sẽ bị phạt từ 20 triệu - 25 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, Luật Chăn nuôi năm 2018 đã có hiệu lực, cấm các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không nằm trong quy hoạch. Mặt khác, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, ở một số nơi, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vẫn mang lại thu nhập cho người dân, vừa tận dụng được lao động, vừa tận dụng được thức ăn dư thừa. Tuy nhiên, chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh… Năm 2019, khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra, có đến 80% số lợn mắc bệnh ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố.

Cũng phải nói thêm, mặc dù chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước khi có dịch bệnh xảy ra, nhưng việc vận động các hộ chăn nuôi di dời không đơn giản. Do đó, cùng với việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ chủ trương này, cần xử phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật các trường hợp cố tình vi phạm.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Thanh, chủ trang trại chăn nuôi ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) việc quy định xử phạt các hộ chăn nuôi không nằm trong quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường là cần thiết để hướng tới nền chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Còn theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì (Hà Nội) Nguyễn Thị Tuyết Anh, việc quy định rõ mức phạt sẽ giúp chính quyền địa phương xử lý nghiêm khắc các trường hợp cố tình vi phạm...

Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định cấm chăn nuôi trong khu dân cư nhằm hạn chế những tác động bất lợi đến đời sống xã hội. Do vậy, những quy định xử phạt trong lĩnh vực chăn nuôi mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Thủ tướng Chính phủ rất cần thiết.   

Hỗ trợ người dân chuyển đổi

Dự thảo Nghị định mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ là cơ sở để giải quyết các vấn đề liên quan, hướng tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, không nằm trong quy hoạch và thiếu an toàn... Do vậy, các địa phương cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận chấp hành.

Ông Nguyễn Xuân Diệu ở phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Tôi đồng tình việc tập trung chăn nuôi tại các khu vực có quy hoạch để phòng ngừa dịch bệnh, thêm nữa, người chăn nuôi không phải chi phí lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc chăn nuôi như hiện nay vẫn mang lại thu nhập cho người dân nên khi triển khai các quy định mới cần có lộ trình và Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ để người dân chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống”.

Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đông Anh (Hà Nội) Phạm Hồng Thái đề xuất, cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm thể chế hóa bằng những kế hoạch, chương trình cụ thể. Từ đó, tạo thuận lợi cho địa phương triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp người chăn nuôi di dời, xây dựng chuồng trại, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại các khu vực chăn nuôi được quy hoạch.

Để tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ không nằm trong quy hoạch, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân sớm chấm dứt và không để phát sinh thêm hoạt động chăn nuôi tại khu vực cấm chăn nuôi của thành phố, đặc biệt đối với các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng (đang phát triển thành quận) và 4 phường của thị xã Sơn Tây. Các địa phương thông báo công khai, rộng rãi nội dung chính sách hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện...

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Trọng cho rằng, các địa phương phải rà soát, xác định rõ và công khai các khu vực, địa điểm không được phép chăn nuôi; đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho người dân về chuyển đổi nghề nghiệp để bảo đảm cuộc sống. Bên cạnh đó, việc chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang chăn nuôi trang trại, tập trung quy mô lớn sẽ thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Mặt khác, các địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để dễ truy xuất nguồn gốc...

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top