Để mô hình sinh kế phát huy hiệu quả bền vững

09:24 - Thứ Sáu, 28/08/2020 Lượt xem: 6705 In bài viết

ĐBP - Từ các nguồn vốn lồng ghép phát triển sản xuất của các chương trình 30a/CP và 135/CP, huyện Điện Biên đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững. Trong số đó, nổi bật là mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Đối tượng tham gia là hộ nghèo, cận nghèo và các hộ mới thoát nghèo. Sau khi được hỗ trợ con giống sinh sản, hộ thụ hưởng có trách nhiệm chăm sóc bò trong thời gian 3 năm, khi bò mẹ sinh bê con đầu tiên sẽ được luân chuyển cho gia đình khác. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, hỗ trợ tổ chức sản xuất.

Ngoài ra, huyện còn cung ứng vật tư, bố trí cán bộ chuyên môn đến trực tiếp hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; thu hồi, luân chuyển kinh phí hỗ trợ và kiểm tra, giám sát dự án. Đến nay, mô hình chăn nuôi bò sinh sản đã phát triển tại 19 xã trên địa bàn huyện với 402 hộ được hưởng lợi, trong đó có 319 hộ nghèo, 83 hộ cận nghèo. Qua công tác kiểm tra, đánh giá cho thấy hầu hết các hộ được hỗ trợ bò đều duy trì và phát triển tốt, số lượng đàn bò gia tăng, nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sinh sản. Tiêu biểu như gia đình chị Lò Thị Xoan, bản Co Mỵ, xã Sam Mứn được nhận bò đợt đầu năm 2017 đến nay đã nhân đàn lên 5 con và luân chuyển cho các hộ khác. Từ một hộ nghèo, gia đình chị Xoan đã thoát nghèo từ năm 2019.

Sau khi kết thúc mô hình “Chăn nuôi vịt an toàn sinh học” tại bản Phiêng Ngám, xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) nhưng người dân cũng không duy trì, nhân rộng.

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản chỉ là một trong số các mô hình hỗ trợ sinh kế mang lại hiệu quả trên địa bàn huyện Điện Biên nói riêng và toàn tỉnh nói chung trong thời gian qua. Theo thống kê, hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình thuộc chương trình 135/CP giai đoạn 2016 - 2020 được ngân sách Trung ương bố trí hơn 142,5 tỷ đồng thực hiện. Trong đó, hỗ trợ nhân rộng 83 mô hình sản xuất hiệu quả, tiên tiến (chủ yếu là chăn nuôi, trồng cây ăn quả) với 1.369 hộ được thụ hưởng; hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế (hỗ trợ giống lúa, ngô, đậu tương, trồng cỏ, phân bón, vắc xin…) cho gần 13.000 lượt hộ; hỗ trợ hơn 2.300 bộ máy móc nông cụ các loại phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Cũng trong giai đoạn này, toàn tỉnh được bố trí trên 248 tỷ đồng vốn từ chương trình 30a/CP để thực hiện hợp phần hỗ trợ sản xuất. Theo đó đã xây dựng 72 mô hình chuyển giao với gần 2.000 hộ dân tham gia; hỗ trợ một lần toàn bộ tiền mua giống, phân bón chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho gần 15.500 hộ; hỗ trợ khai hoang, phục hóa và tạo ruộng bậc thang cho gần 2.800 lượt hộ với diện tích hơn 633ha… Thông qua các mô hình, dự án, người dân đã nắm bắt được kỹ thuật, cách nhận biết và phòng trừ sâu bệnh; đặc biệt thay đổi dần tập quán canh tác, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình hỗ trợ sinh kế trong thời gian tới, các cấp, ngành cần khắc phục triệt để một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện thời gian qua. Những hạn chế đó đã được nêu rõ trong Báo cáo số 1061/BC-SNN ngày 5/6/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện chính sách dân tộc, đó là: Việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi còn nhỏ lẻ, một số dự án chỉ hỗ trợ một lần không đủ thời gian làm quen, thích nghi nên chưa mang lại hiệu quả; hoạt động chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn, khó tiếp cận thị trường. Việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, mô hình khuyến nông để giảm nghèo đạt được kết quả ở quy mô thí điểm nhưng khó khăn khi nhân rộng. Bên cạnh đó, các mô hình giảm nghèo còn thiếu tính liên kết chặt chẽ giữa các hộ tham gia, thường chỉ tồn tại mối liên kết giữa cán bộ khuyến nông và từng hộ gia đình. Mặt khác những hộ nghèo đa số có trình độ thấp, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tiếp cận, thực hiện các mô hình còn hạn chế. Đơn cử như mô hình “Chăn nuôi vịt an toàn sinh học” tại bản Phiêng Ngám, xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) quy mô 975 con giống vịt bầu cánh trắng, với sự tham gia của 15 hộ dân (65 con/hộ); người dân được hỗ trợ 100% chi phí con giống, thức ăn, thú y. Qua tổng kết, đánh giá, mô hình mang lại hiệu quả cao hơn cách nuôi truyền thống: 65 con vịt sau 2 tháng nuôi chi phí hết gần 8 triệu đồng, với giá bán 65.000 đồng/kg thì tổng thu nhập gần 11 triệu đồng, lãi gần 3 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi mô hình kết thúc, người dân không tiếp tục duy trì, nhân rộng. Lý giải về việc này, ông Sùng A Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhi cho biết: “Mặc dù mô hình mang lại hiệu quả, song vì chi phí khá cao nên người dân khó duy trì; hơn nữa phương pháp không phù hợp với cách chăn nuôi của người dân vùng cao.” Qua đây có thể thấy việc lựa chọn mô hình, vật nuôi phải phù hợp với điều kiện địa phương, năng lực của người dân mới mang lại hiệu quả bền vững. Đồng thời, khi triển khai nhân rộng phải xuất phát từ cộng đồng, phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng địa phương; các mô hình phải có liên kết chặt chẽ trong cộng đồng và với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top