Tăng cường thực hiện chính sách về quản lý, bảo vệ rừng

09:47 - Thứ Tư, 02/09/2020 Lượt xem: 5100 In bài viết

ĐBP - Toàn tỉnh có 694.754ha đất quy hoạch lâm nghiệp; trong đó, tổng diện tích đất có rừng hơn 371.908ha, chiếm 53,5% và diện tích đất chưa có rừng hơn 322.844ha chiếm 46,5%. Thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn toàn tỉnh đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện quyết liệt và đạt được kết quả tích cực. Nhờ đó, diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, giảm dần nạn phá rừng, mất rừng; tỷ lệ che phủ rừng ngày càng tăng.

Để tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các giải pháp như tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm về rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng; triển khai các chính sách hỗ trợ gạo, tiền… cho người dân tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng; nhất là triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Điển hình, năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Trợ cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân nghèo thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn các huyện: Mường Nhé, Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Chà giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó, tổng nhu cầu khối lượng gạo trợ cấp là hơn 14.172 tấn gạo. Việc triển khai chính sách đã góp phần bảo đảm đời sống của người dân nghèo, tạo điều kiện, cơ hội để người dân tham gia phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Ngoài ra, để khuyến khích người dân tham gia các hoạt động phát triển rừng, tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành, địa phương rà soát chính sách hỗ trợ bổ sung các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể, hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân chuyển đất nương, đất trống sang trồng rừng sản xuất và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên. Ngoài mức hỗ trợ từ các chính sách bảo vệ và phát triển rừng hiện hành của Trung ương; ngân sách tỉnh hỗ trợ bổ sung đối với trồng rừng sản xuất 2,5 triệu đồng/ha/năm, thời gian hỗ trợ 4 năm; đối với khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên 2,5 triệu đồng/ha/năm, thời gian hỗ trợ 6 năm. Hỗ trợ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để trồng rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên với mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/ha…

Nhìn chung, mức hỗ trợ tại các chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng hiện nay cơ bản tương xứng với công sức lao động của người dân, do đó đã khuyến khích được đông đảo người dân tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Một số người dân đã bắt đầu quan tâm, tích cực và coi trọng việc đầu tư trồng rừng trong việc phát triển kinh tế hộ. Điển hình, từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giai đoạn 2013 - 2018, tỉnh đã thực hiện chi trả 754,55 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, với gần 1,5 triệu lượt héc ta rừng được bảo vệ. Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo thu nhập ổn định cho hơn 53.000 hộ dân tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn, trong đó lưu vực sông Đà thu nhập trung bình đạt 3 triệu đồng/hộ/năm. Riêng với khu vực huyện Mường Nhé trung bình mỗi hộ dân có thu nhập gần 10 triệu đồng mỗi năm, cá biệt tại bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, mỗi hộ đạt trung bình trên 100 triệu đồng/hộ/năm. Năm 2019, đã thực hiện chi trả trên 200 tỷ đồng cho 2.551 chủ rừng phân bố trên địa bàn các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà và TX. Mường Lay.

Cùng với việc triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chương trình, dự án đầu tư phát triển lâm nghiệp và tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với công tác bảo vệ rừng, tỉnh đã bảo vệ tốt hơn 371.908ha rừng hiện có. Số lượng vụ vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng giảm qua các năm. Điển hình, năm 2019 toàn tỉnh phát hiện 396 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 57 vụ so với năm 2018 (giảm 12,58%), trong đó vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng gây cháy rừng là 32 vụ; vi phạm quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng 3 vụ; khai thác rừng trái pháp luật 29 vụ, tăng 15 vụ so với năm 2018 (tăng 107,14%); phá rừng trái pháp luật 112 vụ, giảm 5 vụ so với năm 2018 (giảm 4,27%), gây thiệt hại 19,23ha rừng, giảm 11,81ha so với năm 2018 (giảm 38,06%). Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách và tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm quy định về Luật Lâm nghiệp nên tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh ngày càng tăng cao. Nếu như năm 2015, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 38,5% năm thì đến năm 2019 đạt 42,25%.

Thu Phương
Bình luận
Back To Top