Vấn đề bạn đọc quan tâm

Để doanh nghiệp "sống khỏe" sau sinh

16:27 - Thứ Năm, 03/09/2020 Lượt xem: 5166 In bài viết

ĐBP - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng.

Là tỉnh nghèo, quy mô nền kinh tế vừa phải nên rất dễ tổn thương bởi những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân tỉnh Điện Biên vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực xây dựng dân dụng, thương mại, du lịch, vận tải hành khách... nên khi "cơn bão Covid-19" ập đến, đã gây hậu quả nặng nề. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô đầu tư, kinh doanh hoặc cho công nhân nghỉ việc luân phiên, cắt giảm lương, đóng cửa...

Thống kê cho thấy, đến nay, toàn tỉnh có trên 1.300 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 23.000 tỷ đồng. Hàng năm, các doanh nghiệp giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động; đóng góp nguồn ngân sách rất lớn, thúc đẩy tăng trưởng GRDP cho tỉnh.

Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế là rất to lớn. Do vậy, hàng năm tỉnh đều có chủ trương, chính sách để khuyến khích, mời gọi doanh nghiệp, doanh nhân đến nghiên cứu thị trường, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh để đầu tư làm ăn. Các chính sách về miễn, giảm thuế, các loại phí... cũng được công khai, minh bạch để hỗ trợ doanh nghiệp. Vậy nhưng thực tế, số lượng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn tới nợ nần, phá sản hàng năm cũng rất nhiều. Do hoạt động ngày càng khó khăn, thua lỗ nên hiện tại có khoảng 214 doanh nghiệp nợ 136 tỷ đồng tiền thuế.

Phần lớn doanh nghiệp làm ăn khó khăn, nợ thuế, nợ lương công nhân... hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, thương mại, du lịch, vận tải hành khách... Do thực hiện chủ trương thắt chặt đầu tư công, nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho các chương trình, dự án của tỉnh ngày càng ít. Việc thẩm định nguồn vốn, tiến độ giải ngân, ứng vốn... phải đảm bảo quy trình, đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xây dựng. Nhiều doanh nghiệp chủ động vay tiền ngân hàng làm hoàn thiện các công trình, dự án, nhưng Nhà nước chậm giải ngân, quyết toán vốn, dẫn tới lãi mẹ đẻ lãi con. Nhà nước nợ, chậm tiền doanh nghiệp thì không tính lãi suất, trong khi doanh nghiệp nợ tiền ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác thì "lãi chồng lãi"; bị xếp vào nhóm khách hàng nợ khó đòi.

Tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư tổ chức trung tuần tháng 7/2020, ý kiến của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cho rằng, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách ngày càng hạn hẹp, không có tiền để khởi công dự án mới, thì với những công trình, dự án nhà thầu đã thi công xong, tỉnh cần bố trí kinh phí thanh toán hết cho họ. Còn cứ để kéo dài năm này sang năm khác như thời gian qua, thì tới đây, số doanh nghiệp phá sản, đóng cửa sẽ tăng lên nhiều hơn nữa.

Mặc dù UBND tỉnh đã rất riết róng, quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết thủ tục hành chính, thu hút, mời gọi đầu tư, nhưng đâu đó vẫn có ngành, lĩnh vực, bộ phận cán bộ, viên chức tìm cách "hành" doanh nghiệp. Minh chứng là có nhiều nhà đầu tư đã được tỉnh, thành phố chấp thuận, phê duyệt quyết định đầu tư, nhưng vài ba năm nay, cơ quan chuyên môn vẫn không bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp. Khi cơ hội đến thì không nắm bắt, mà tìm cách "câu dầm" để doanh nghiệp phải "bôi trơn", dẫn tới chán nản bỏ đi địa phương khác làm ăn là điều dễ hiểu.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, có những dự án họ đã trình phương án đầu tư dăm bảy, thậm chí là chục năm nay, nhưng tỉnh vẫn không gỡ vướng về cơ chế, chính sách, mặt bằng sạch để triển khai. Như vậy, doanh nghiệp có được "khai sinh" nhưng sống ra sao sau sinh? thì khó mà nói trước được. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến số doanh nghiệp nợ thuế, chậm thuế như thời gian qua. Có doanh nghiệp đầu tư 120 tỷ đồng, làm ăn gần chục năm nay. Thế nhưng quy mô ngày càng thu hẹp lại, vì tính cạnh tranh trên thị trường thiếu minh bạch. Doanh nghiệp hoạt động "chui" thì thắng thế áp đảo doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, với các chiêu thức: giảm giá, khuyến mại, "đi cửa sau"...

Chính vì vậy, để các doanh nghiệp "sống khỏe sau sinh", đóng góp nhiều tiền của vào ngân sách Nhà nước, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội... thì tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong giải quyết những bất cập nêu trên. Muốn bắt cá lớn thì phải có ao sâu; muốn đón đại bàng thì chúng ta phải sẵn sàng nguyên liệu cho chúng làm tổ... Còn để doanh nghiệp "tự bơi"; khắp nơi "giăng đầy chông gai" thì không cá nào, đại bàng nào đến cả. Và như vậy, con số doanh nghiệp thành lập mới, số dự án được cấp phép đầu tư theo báo cáo hàng năm hiệu quả rất mong manh, chủ yếu để "làm đẹp hồ sơ" mà thôi.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top