Chát, ngọt vị trà cao nguyên đá

12:44 - Thứ Bảy, 05/09/2020 Lượt xem: 5741 In bài viết

ĐBP - Trà - loại đồ uống được coi là một trong những sản vật của vùng cao nguyên đá Tủa Chùa. Trải qua nhiều thăng trầm, gắn với nhiều số phận, từng là niềm trăn trở cả đời người, có “đắng chát”, có “ngọt ngào”. Hôm nay, những con người “yêu” trà Tủa Chùa đến say mê vẫn đang nỗ lực tìm một chỗ đứng vững vàng hơn, rộng khắp hơn... cho loại trà vùng cao nguyên đá.

Người dân Sín Chải thu hoạch chè cổ thụ.

“Tôi chưa làm được thì đời sau sẽ làm được”!

Cây chè ở Tùa Chùa đã hình thành từ lâu, nhất là giống chè cây cao hiện đang tập trung ở các xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng. Theo như những người già nơi đây kể lại thì ngay khi họ còn nhỏ, cây chè đã lên tầm cổ thụ, nghĩa là tuổi thọ hàng trăm năm. Cây chè gắn bó với người dân qua nhiều đời, trường tồn bất kể đổi thay của thời cuộc, phương thức sản xuất... Ngày nay, khi đến Tủa Chùa, hình ảnh cây chè cổ thụ vẫn là biểu trưng xuất hiện ngay từ khi du khách chớm địa phận và tại các cơ quan hành chính, chén trà địa phương luôn là thức uống đầu tiên dân Tủa Chùa mời khách. Có thể thấy, việc giới thiệu, quảng bá thương hiệu chè Tủa Chùa đã là “nếp” quen thuộc của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây.

Gắn bó, thân thuộc qua nhiều thế hệ là vậy, ý thức, hành động để đưa búp chè địa phương vươn xa cũng gần như đã là “phản xạ không điều kiện” của cả chính quyền, cơ quan chuyên môn đến từng người dân ở Tủa Chùa. Thế nhưng sau nhiều năm, việc phát triển thị trường của chè Tủa Chùa vẫn chưa được như kỳ vọng, thậm chí có nguy cơ “chảy máu thương hiệu”. Ông Nguyễn Trọng Nghiêu - một người gắn bó với cây chè Tủa Chùa hơn 40 năm cho biết: Theo thông tin tôi tìm hiểu, nguyên liệu từ cây chè địa phương hiện là thành phần chính của một thương hiệu trà nổi tiếng đến từ... Trung Quốc! Nơi mà người ta đã đẩy việc uống trà lên thành một thứ gì đó đặc biệt thời thượng, dành cho những người rất giàu có. Và tất nhiên, giá của mỗi tách trà cũng thuộc diện “trên trời”. Thông tin về vùng nguyên liệu chè Tủa Chùa cũng đã có trong danh sách các loại trà cổ của châu Á (cùng với shan tuyết Hà Giang). “Trong khi tôi với anh vẫn ngồi đây, uống trà cổ thụ tự sao và hút thuốc lào vặt!” - ông Nghiêu chia sẻ với tâm trạng có phần chua xót. Về nguyên nhân của sự “chảy máu” này, phải nhìn nhận thẳng thắn là xuất phát từ ý thức của các chủ thể có chè nguyên liệu. Bà con trước đây có tư tưởng “cân chè - cân gạo”, thấy được giá là bán. Trong khi những nguồn tiêu thụ trong nước chưa có sự ổn định, chưa có đơn vị đủ mạnh để bao tiêu. Rồi ngay cả cái thương hiệu “trà Tủa Chùa” vốn chưa thực sự có chỗ đứng vững chắc cũng đã bị một số cơ sở thiếu tâm pha trộn các loại trà khác, dán nhãn mác, tiêu thụ ra thị trường... làm mất uy tín.

Nói về ông Nguyễn Trọng Nghiêu (nguyên cán bộ Trạm Giống nông nghiệp Tủa Chùa) và “mối tình hơn 40 năm” với cây trà như thế nào, nếm trải “vị đắng” từ cây trà ra sao, báo chí truyền thông cũng đã có bài viết sau một vài lần ông Nghiêu mở lòng chia sẻ, nay xin không nhắc lại. Tuy nhiên, trong câu chuyện hôm nay, thông tin từ ông khiến chúng tôi muốn cô đọng lại và cũng là những lời từ “ruột gan” của người đàn ông đã gần 70 tuổi này: Tôi đã gắn bó cả thời thanh xuân, quá trình lao động, công tác với cây chè ở Tủa Chùa. Trà Tủa Chùa với tôi giống như cơm ăn, nước uống hàng ngày hay một cách đơn giản là nghiện trà nặng cũng chẳng sao! Mặc dù quan điểm của tôi về cách chế biến, thưởng trà không có gì quá cao siêu nhưng để uống sao cho đúng, cho ngon đã là không dễ chứ chưa nói đến cách làm, cách đưa thương hiệu trà địa phương vươn lên tầm quốc gia, thế giới. Đây là trăn trở của cả cuộc đời tôi. Nhưng thôi. Trà Tủa Chùa vốn “chát đầu, ngọt hậu” mà, tôi chưa làm được thì đời sau tôi sẽ làm được. Giới thiệu với anh, con gái tôi, một đứa từ lúc đẻ ra đã “chẳng thích gì ngoài trà!”.

Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh tại đồi trà thuộc xã Sính Phình.

Nối nghiệp, khởi nghiệp và định vị lại thương hiệu 

Cô con gái “chẳng thích gì ngoài trà” được ông Nguyễn Trọng Nghiêu giới thiệu là Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh. Thoạt nghe, theo mường tượng của tôi, có lẽ đây sẽ là một nữ doanh nhân đạo mạo, sắc sảo hoặc có nét gì đó già dặn... Tuy nhiên, khi gặp, tôi có phần bất ngờ bởi trái với những gì tôi nghĩ, Linh là một cô gái còn rất trẻ (vừa bước qua tuổi 23), tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2019. Câu hỏi đầu tiên tôi hỏi Nguyễn Mỹ Linh là: Có mâu thuẫn không khi còn trẻ như vậy lại chọn loại cây “cổ thụ khó tính” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như chè Tủa Chùa để khởi nghiệp? Cô gái trẻ trả lời ngay: Như bố em đã nói đó, do ảnh hưởng niềm đam mê với cây trà từ bố ngay khi còn nhỏ. Lớn lên, khi xác định ngành nghề, em cũng chọn Học viện Nông nghiệp Việt Nam để theo học với mục đích duy nhất là trở về với cây chè. Có thể nói, lộ trình của em sẽ là tuần tự “nối nghiệp của bố bằng cách khởi nghiệp từ cây chè và hướng tới mục tiêu định vị lại thương hiệu trà xuất phát từ Tủa Chùa” nên không có gì mâu thuẫn cả. Bố em truyền cho niềm đam mê, kinh nghiệm, còn em thì vận dụng kiến thức đã học, nhận thức về thị trường, cập nhật xu hướng tiêu dùng... để triển khai ý tưởng, thực hiện mục tiêu.

Theo Nguyễn Mỹ Linh, sự quan tâm của các cấp, ngành chuyên môn từ tỉnh tới huyện là rất tốt và hiện doanh nghiệp vẫn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện rất lớn từ huyện, tỉnh. Nhưng ở một góc độ khác, hiện nay việc hỗ trợ mang tính “bảo hộ” đã không còn phù hợp, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, các chế phẩm từ lá chè nói riêng cần tự tập đứng, đi trên đôi chân của mình và có sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, mẫu mã và uy tín, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ hỗ trợ về mặt chủ trương, tạo điều kiện cơ chế, thủ tục. Có nhiều người băn khoăn, bước xuất phát hiện nay của những doanh nghiệp trà ở Tủa Chùa có là quá muộn? Tuy nhiên, theo cả ông Nguyễn Trọng Nghiêu và Nguyễn Mỹ Linh thì: Đây là một bước đi đón đầu. Bởi với xu hướng hiện nay, sản phẩm sạch, mang tính tự nhiên hữu cơ cao ngày một được ưa chuộng. Đối với vùng nguyên liệu cây chè, tiêu chuẩn được đặt ra rất gắt gao khi phải cách li tối thiểu 300m với khu vực bón phân hóa học (vô cơ), các điều kiện về tự nhiên, thổ nhưỡng... và cây chè Tủa Chùa hiện cơ bản đáp ứng được. Quan điểm xuyên suốt của doanh nghiệp là đảm bảo cao các yếu tố: An toàn, nâng cao giá trị chất lượng và giá trị cộng đồng với thương hiệu mới mang tên Diệp Thanh Trà.

Câu chuyện của chúng tôi với 2 thế hệ tiếp nối cùng có niềm đam mê với cây chè Tủa Chùa kéo dài từ 2 giờ chiều đến sẩm tối, trong đó, rất nhiều dự định, kế hoạch cụ thể được ông Nghiêu và nữ giám đốc Nguyễn Mỹ Linh chia sẻ. Không thể khẳng định trước điều gì nhưng cảm nhận chung của tôi là họ có sự say mê đến kỳ lạ với loại trà vùng cao nguyên đá trong từng lời nói. Tất nhiên, đam mê là chưa đủ, bởi ngay lúc này, để duy trì, phát triển, doanh nghiệp trà của Nguyễn Mỹ Linh vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là tài chính để đầu tư nâng cấp máy móc, nhà xưởng... Nhưng như trấn an tôi (và cả tự động viên bản thân?!), chỉ sang chàng trai từ đầu vẫn lặng lẽ ngồi cạnh, lắng nghe, Linh nói vui: Đây là “nhà đầu tư” mới của em, chúng em sắp làm đám cưới anh ạ! Nghe Linh chia sẻ, bất giác tôi nhớ đến câu “thuận vợ, thuận chồng...”.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top