Thoát nghèo nhờ cây dong riềng

14:34 - Thứ Hai, 07/09/2020 Lượt xem: 4990 In bài viết

ĐBP - Về xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ) hôm nay dễ dàng nhận thấy đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Có được sự đổi thay này là nhờ người dân trong xã đã mạnh dạn tận dụng lợi thế đất đồi trồng cây dong riềng theo hướng hàng hóa. Với người dân nơi đây, khoản thu nhập hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng từ bán củ dong riềng đã giúp họ có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Anh Lò Văn Pâng kiểm tra cây dong riềng của gia đình.

Ông Lò Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: “Cây dong riềng đến với người dân xã Nà Tấu như một cái duyên, khi cuộc sống của người dân còn vô vàn khó khăn, bữa no, bữa đói thì cây dong riềng lại “bén rễ” nơi đây và trở thành một trong những cây trồng đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Năm 2004, cây dong riềng được trồng thử nghiệm ở một vài hộ dân trong xã. Sau một thời gian trồng thử nghiệm, nhiều hộ dân nhận thấy loại cây này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư ít, dễ tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 3 lần sản xuất lúa nương, gấp 2 lần sản xuất ngô nên đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích. Hiện toàn xã có khoảng 500 hộ trồng dong riềng với 300ha, tập trung tại một số bản, như: Tà Cáng, Nà Láo, Lán Yên…

Là hộ đầu tiên mạnh dạn đưa cây dong riềng về trồng vùng đất đồi từ những năm 2004, đến nay anh Lò Văn Pâng, bản Phiêng Ban đã có hơn 5ha trồng dong riềng, mỗi năm cho thu hoạch 200 tấn củ. Bên nương dong riềng xanh tốt đang chuẩn bị cho thu hoạch, anh Pâng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác trong xã, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, làm không đủ ăn. Nhận thấy trên địa bàn xã còn nhiều diện tích đất đồi bỏ hoang, lại có nguồn lao động dồi dào nên tôi đã đi tìm hiểu về cây dong riềng và đi tham quan các mô hình trồng dong riềng cho hiệu quả kinh tế cao ở Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình và đầu tư mua giống dong riềng về trồng. Vụ đầu năng suất bình quân đạt 52 tấn củ tươi/ha; với giá bán 1.500 đồng/kg củ tươi, trừ chi phí thu về khoảng 90 triệu đồng/ha (nếu so với trồng lúa, trồng ngô thì lãi gấp 2 - 3 lần)”.

Theo anh Pâng, những năm đầu, dong riềng của anh chủ yếu bán củ tươi cho thương lái từ Hưng Yên lên thu mua về chế biến ra bột thành phẩm. Sau vài năm trồng và chăm sóc, nhận thấy trồng dong riềng thu nhập cao, sản xuất tới đâu thương lái thu mua tới đó, không phải phơi khô bảo quản như ngô, lúa, nên nhiều gia đình trong xã đã học hỏi và áp dụng, mang nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng/năm, xóa được đói, giảm được nghèo, làm được nhà mới, mua được xe máy, ti vi, tủ lạnh. Khi cây dong riềng đã phát triển mạnh, năm 2017, anh mở xưởng sản xuất và chế biến miến dong, mạnh dạn đứng ra ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Nhờ đó, người dân trên địa bàn xã đã có đầu ra ổn định cho củ dong riềng.

Cũng giống như gia đình anh Lò Văn Pâng, năm 2007, thấy được hiệu quả kinh tế từ cây dong riềng đem lại, gia đình ông Lò Văn Nọi, bản Phiêng Ban đã bàn bạc với vợ con quyết định đầu tư vốn liếng của gia đình tiết kiệm được và vay thêm từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng trên 6ha cây dong riềng. Sau một thời gian vừa làm vừa học, rút kinh nghiệm, cây dong riềng đã phát huy hiệu quả. Ông Lò Văn Nọi cho biết: “Nhờ có cây dong riềng mà cuộc sống gia đình tôi đã khá giả hơn, tiền bán dong riềng giúp tôi có vốn đầu tư chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, đào ao thả cá... Ðến nay, mỗi năm gia đình thu nhập trên 450 triệu đồng, trong đó thu nhập từ dong riềng là 150 triệu đồng”.

Không chỉ riêng gia đình anh Pâng, ông Nọi, hiện nay nhiều gia đình trên địa bàn xã Nà Tấu đã trở thành triệu phú nhờ vào loại cây cho bột này, như: ông Lò Văn Dung (bản Nà Láo), ông Lò Văn Bình (bản Phiêng Ban), ông Lò Văn Thanh (bản Lán Yên), ông Lò Văn Thơi (trung tâm xã)… Những hộ này đều có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm nhờ trồng dong riềng. Từ những hiệu quả kinh tế mà cây dong riềng đem lại cho người dân xã Nà Tấu trong thời gian qua, hiện xã đã làm thủ tục trình cấp trên để xây dựng miến dong trở thành sản phẩm OCOP. Việc xây dựng miến dong trở thành sản phẩm OCOP tạo cơ hội để thương hiệu miến dong Nà Tấu được nhiều người biết đến, có chỗ đứng trên thị trường; đồng thời cũng là cơ hội để cây dong riềng có đầu ra ổn định và thực sự trở thành cây trồng thế mạnh của địa phương.

Bài, ảnh: Hoàng Lâm
Bình luận
Back To Top