Hỗ trợ nông cụ phù hợp cho người dân

08:40 - Thứ Tư, 09/09/2020 Lượt xem: 5314 In bài viết

ĐBP - Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, những năm qua trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục nghìn hộ dân, nhóm hộ được hỗ trợ thiết bị, máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản với giá trị hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả tích cực thì vẫn còn trường hợp máy móc, nông cụ được hỗ trợ chưa phù hợp với thực tiễn, nhu cầu người dân, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Người dân xã Mường Ðun (huyện Tủa Chùa) sử dụng máy thái rau được hỗ trợ.

Những năm gần đây, Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tăng cường phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư hợp phần hỗ trợ sản xuất, nhằm nâng cao năng lực cán bộ cấp cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư. Song tại một số địa bàn, công tác hỗ trợ sản xuất nói chung, hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất nông nghiệp nói riêng còn hạn chế, bất cập, chưa phát huy hiệu quả. Ðơn cử như nhiều hộ được hỗ trợ máy xay xát, máy thái rau chạy bằng điện nhưng địa bàn chưa có điện lưới quốc gia hoặc máy móc không phù hợp với đặc thù sản xuất, địa hình... nên không sử dụng được.

Thực hiện hợp phần hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135, nhóm hộ dân bản Huổi Anh, xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) được hỗ trợ máy tuốt lúa. Chưa bàn đến chất lượng máy móc, nhưng về hình thức là không phù hợp với phương thức sản xuất trên nương của người dân. Máy tuốt lúa quá to, cồng kềnh, không thể di chuyển xa, đặc biệt là vận chuyển lên nương lại càng khó khăn. Ông Lý A Gâu, bản Huổi Anh, xã Tênh Phông - một trong những hộ dân được hỗ trợ máy tuốt lúa chia sẻ: Người dân chúng tôi mong muốn được cấp máy loại nhỏ, phù hợp với sản xuất trên nương, máy này quá to, mỗi lần muốn đưa lên nương phải tháo rời từng bộ phận và huy động từ 2 - 3 người mới vận chuyển được. “Của chẳng nặng bằng công” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Tương tự, một số nhóm hộ ở thôn Ðề Tâu, xã Mường Ðun (huyện Tủa Chùa) được hỗ trợ máy xát thóc chạy bằng điện (thời điểm hỗ trợ do các phòng, ban chuyên môn của huyện thực hiện). Thế nhưng thời điểm hỗ trợ máy xay xát, thôn Ðề Tâu vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Ông Sùng A Su, thôn Ðề Tâu, xã Mường Ðun cho biết: “Ðược sự quan tâm hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước, chúng tôi rất biết ơn và lấy đó làm động lực phấn đấu xóa đói, giảm nghèo. Thế nhưng cần phải hỗ trợ sát với thực tế, nhu cầu của người dân thì mới phát huy được tác dụng”.

Theo thống kê, thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, hàng chục nghìn hộ dân, nhóm hộ đã được hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất nông nghiệp. Chỉ tính riêng 2 Chương trình 135 và Nghị quyết 30a, trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn chi cho việc hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất là hơn 27 tỷ đồng. Trong đó, hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh có hàng nghìn hộ dân, nhóm hộ được hỗ trợ mua sắm thiết bị, máy móc sản xuất nông nghiệp với 2.342 bộ máy các loại (máy tuốt lúa, máy thái rau, máy xay xát…) với tổng kinh phí hơn 13,3 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, từ nguồn vốn Chương trình 30a, toàn tỉnh đã có 1.515 hộ dân được hỗ trợ dụng cụ và máy sản xuất nông nghiệp, với tổng kinh phí hơn 13,7 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất cho người dân nhằm góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Song để hỗ trợ đúng, trúng với nguyện vọng của người dân và sát với thực tế địa phương các cấp, ngành, địa phương, nhất là cấp xã (hiện đã được giao làm chủ đầu tư hợp phần hỗ trợ sản xuất) cần khảo sát, nắm bắt nhu cầu cần hỗ trợ của người dân. Từ đó đề xuất hỗ trợ máy móc đúng thực tế phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top