Vấn đề tuần này

Diện mạo mới vùng biên

08:28 - Thứ Năm, 10/09/2020 Lượt xem: 6490 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên, tỉnh phên giậu phía Tây Bắc Tổ quốc. Là địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh của cả nước. Nơi đây có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Ðịa hình không thuận lợi, giao thông cách trở, xa các trung tâm kinh tế lớn nên đời sống của đại bộ phận người dân còn khó khăn. Kéo theo đó là trình độ nhận thức có phần hạn chế, dẫn tới tỷ lệ đói nghèo cao.

Thúc đẩy kinh tế vùng biên phát triển là ưu tiên hàng đầu của Ðảng, Nhà nước và tỉnh Ðiện Biên. Những năm gần đây, thông qua các chương trình, dự án: Chương trình 134, 135, 167/CP; Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới các xã biên giới; Chương trình Hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, đặc biệt khó khăn chưa có nhà ở của Bộ Công an; chính sách hỗ trợ: gạo, sách vở, học phí cho học sinh đến trường... Diện mạo nông thôn vùng biên đã dần thay đổi.

Về các xã vùng biên dịp này, thấy nhà cửa khang trang. Về đêm, ánh điện lưới quốc gia thắp sáng bản mường. Trong những ngôi nhà kiên cố, tiếng trẻ học bài; tiếng ti vi, ra đi ô phát các chương trình thời sự, khoa học công nghệ, khuyến nông... Bà con theo dõi, nắm bắt được thông tin trong nước, thế giới. Hiểu rõ hơn chủ trương của Ðảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; chính sách đối ngoại... Tiếp cận thông tin qua báo, đài, bà con hiểu biết cách làm ăn, áp dụng vào thực tế gia đình, cuộc sống nhờ đó nâng lên.

Ðiều thay đổi dễ nhận thấy nhất tại các xã vùng biên là hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học... Ðã có thời lên vùng cao, chỉ cách duy nhất là đi bộ. Trời mưa, đường trơn như đổ mỡ. Nội bất xuất, ngoại bất nhập, lên rồi không muốn về và ngược lại. Còn ngày nay, đường sá mở rộng, nhiều đoạn đã được đổ bê tông; đường liên xã, liên bản nhiều nơi được nhựa hóa. Từng hàng cột điện chạy dọc theo tuyến đường, xuyên qua những cánh rừng tái sinh, đưa “ánh sáng văn hóa của Ðảng” đến mọi nhà.

Với các chương trình “xóa” nhà tạm, dột nát của Chính phủ và các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội... hiện nay, cơ bản các gia đình đã được ở trong những ngôi nhà khang trang, kiên cố. Gần đây, tại 2 huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, có trên 1.700 ngôi nhà đạt tiêu chuẩn “3 cứng” được Bộ Công an phát động, hỗ trợ, người dân càng thêm vững tin vào chủ trương của Ðảng, Nhà nước về việc “kéo gần khoảng cách giàu - nghèo giữa vùng biên và vùng thận lợi”.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới các xã biên giới, toàn bộ 29 xã vùng biên tại 4 huyện của tỉnh Ðiện Biên đã có cách làm hay, thiết thực, hiệu quả. Tùy vào điều kiện thực tế, nguồn lực nội tại cũng như của Nhà nước, các xã chọn công trình, hạng mục, hợp phần dự án cấp thiết hơn để đầu tư phục vụ lợi ích nhân dân. Với cách làm đó, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng biên đã tìm ra “đáp án hợp lý” để từng bước thay bộ mặt xã, bản. Chà Nưa (huyện Nậm Pồ); Sín Thầu (huyện Mường Nhé); Thanh Hưng, Thanh Chăn, Pom Lót... (huyện Ðiện Biên) được công nhận đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, đã chứng minh điều đó.

Vùng biên khởi sắc nhất, đáng vui mừng, phấn khởi nhất, phải kể đến là “tư duy người dân” trong lao động sản xuất đã “sang trang mới”. Bà con không thụ động, trông chờ ỷ lại nguồn hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, mà chủ động tham quan, học hỏi, nghiên cứu cách thức làm ăn mới để phát triển kinh tế gia đình. Tại các xã vùng biên, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại, thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bà con biết tận dụng lợi thế ruộng nương, đồi rừng, ao hồ để gieo trồng, nuôi thả các giống cây, con mang lại giá trị kinh tế cao. Không chỉ để ổn định an ninh lương thực mà còn xuất bán ra thị trường, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Có thêm nguồn lực lo cho con cái học hành, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt gia đình; đồng thời chia sẻ khó khăn với hộ còn vất vả hơn mình.

Ðồng bào các dân tộc vùng biên biết quý trọng sức lao động, nguồn kinh tế hàng năm mang lại cho gia đình từ đất đai, sông suối... nên họ quyết tâm giữ đất, giữ mường. Là tiền đề để chúng ta giữ vững quốc phòng - an ninh; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Khi lòng dân đồng thuận, tin trưởng tuyệt đối vào chủ trương của Ðảng, Nhà nước thì họ là những “cột mốc sống” bảo vệ cho cương thổ vẹn toàn.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top