Thanh niên Hẹ Muông khởi nghiệp

08:48 - Thứ Sáu, 11/09/2020 Lượt xem: 6783 In bài viết

ĐBP - Khởi nghiệp như thế nào vẫn luôn là vấn đề khó đối với thanh niên vùng cao bởi nhiều nguyên nhân như: Giao thông, nguồn vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ… Ở xã Hẹ Muông (huyện Ðiện Biên) cũng vậy, nhiều người trẻ đau đáu tìm hướng đi phát triển kinh tế tại quê hương. Trong đó, dựa trên đặc điểm, điều kiện địa phương, một số thanh niên đã lựa chọn được cho mình và gia đình con đường làm giàu là phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hiện đại.

Anh Lò Văn Ðịnh cho bò ăn.

Cơ ngơi của anh Lò Văn Ðịnh (sinh năm 1991), bản Ta Lét 1, xã Hẹ Muông làm chúng tôi bất ngờ. Ruộng, nương, ao cá, chuồng trại chăn nuôi, mọi thứ đều rộng hàng nghìn mét vuông và được đầu tư quy mô. Anh Ðịnh khởi nghiệp từ năm 2017 với 6 triệu đồng trong tay. Anh Ðịnh kể lại: “Trước gia đình tôi khá khó khăn, làm ruộng, nương là chủ yếu, cộng thêm nuôi vài con gà, vịt, lợn để phục vụ nhu cầu thực phẩm gia đình. Ðến năm 2017, tôi quyết tâm mở rộng chăn nuôi, thay đổi cuộc sống. Lúc ấy không có tiền dành dụm mà đánh liều khi gần như vay hoàn toàn từ ngân hàng chính sách, anh em bạn bè và mua chịu nguyên vật liệu. Vì tại địa bàn có nhiều phụ phẩm nông nghiệp có thể tận dụng làm thức ăn chăn nuôi nên tôi lựa chọn nuôi bò sinh sản theo hướng nuôi nhốt là chủ yếu. Tôi xây dựng chuồng trại khép kín (quy mô có thể nuôi gần 40 con trâu, bò) và đầu tư bò giống hết hơn 150 triệu đồng”. Tại khu đất rộng hơn 1ha, anh Ðịnh quy hoạch chuồng trại, kho rơm, sân cho bò phơi nắng, vận động trên 2.000m2. Diện tích còn lại trồng ngô với mục đích lấy thân và lá làm thức ăn cho bò, hạt làm thức ăn chăn nuôi gà, vịt, ngan kết hợp. Bởi nuôi nhốt nên việc chủ động và luôn có sẵn thức ăn rất quan trọng. Tuy địa bàn nhiều phụ phẩm nông nghiệp nhưng không đều suốt cả năm, nhiều khi khan hiếm thức ăn chăn nuôi nên anh Ðịnh nghiên cứu, học hỏi cách ủ cây xanh, chủ yếu là thân cây ngô cho bò ăn khi không có cỏ, cây tươi. Ðến nay, sau 3 năm phát triển mô hình này, anh đã xuất bán được 22 con bò giống với giá từ 14 - 20 triệu đồng. Hiện đàn bò của gia đình anh chỉ còn 10 con, đang nhân đàn và chuẩn bị đầu tư thêm bò giống.

Ngoài trang trại bò, anh Lò Văn Ðịnh còn có hệ thống chuồng trại nuôi gia cầm quy mô lớn không kém, thường xuyên nuôi đồng thời 150 con gà, 150 con vịt, 150 con ngan/lứa, mỗi năm nuôi 2 - 3 lứa tùy loại. Với 4 nhân lực lao động chính, thuê thêm 1 người phụ giúp, gia đình anh Ðịnh thầu thêm hồ Ta Lét rộng hơn 5ha nuôi cá thương phẩm các loại: Rô phi, vược, trắm, chép, mè, trôi… Trung bình mỗi năm xuất bán cá thu về 100 triệu đồng. Trừ năm đầu tiên (2018) thầu hồ, đầu tư 50 triệu tiền cá giống thì không tốn thêm chi phí gì nhiều. Thức ăn nuôi cá chủ yếu là lá sắn do gia đình trồng. Nói về trồng trọt, gia đình anh còn canh tác 2ha sắn, hơn 3.000m2 rau màu, 7.000m2 ruộng lúa. Mọi kiến thức, kỹ năng trồng, chăm sóc, phòng trị bệnh cho cây cối, gia súc, gia cầm đều do anh Ðịnh - vốn là 1 cử nhân luật, tự tìm hiểu, học hỏi trên internet và từ cán bộ khuyến nông, hội nông dân địa phương. Anh còn sử dụng internet, mạng xã hội để tìm đầu ra cho nông sản. Nhờ vậy mỗi lứa cá và gia cầm của gia đình đều được xuất bán một cách thuận lợi. Với sự cần cù, dám nghĩ dám làm, đến nay cuộc sống gia đình anh Ðịnh đã đổi thay rất nhiều. “Tôi trả hết nợ và có cuộc sống sung túc, chi tiêu thoải mái hơn. Tổng thu nhập 1 năm cũng không tính rõ được là bao nhiêu bởi luôn tái đầu tư, mới khởi nghiệp còn phải đầu tư thêm nhiều. Dự định sắp tới, tôi sẽ hoàn thiện xây dựng chuồng trại khoa học hơn và mua thêm bò giống” - anh Lò Văn Ðịnh chia sẻ.

Không chỉ gia đình anh Ðịnh mà việc khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình trong đoàn viên thanh niên xã Hẹ Muông đang trở thành phong trào được hưởng ứng nhiệt tình. Toàn xã có 156 đoàn viên thì hiện có 145 gia đình có đoàn viên được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Anh Lường Văn Thông, Bí thư Ðoàn xã Hẹ Muông cho biết: Vài năm trở lại đây, nhờ các mô hình sản xuất đa dạng, tích cực mà đời sống gia đình các đoàn viên thanh niên được nâng lên, thay đổi rõ rệt. Gần 45% gia đình đoàn viên vượt khó vươn lên từ mức nghèo lên khá giả. Trong đó hiện gần 10 đoàn viên có mô hình kinh tế thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, chủ yếu là phát triển trang trại chăn nuôi. Tiêu biểu như anh Lò Văn Tư, bản Nậm Hẹ 1 trồng xoài, cam, bưởi kết hợp nuôi gà, ngan; Lò Văn Thân, bản Nậm Hẹ 1, trồng nấm và chăn nuôi trâu, bò; Lò Văn Úc, bản Lọng Sọt, nuôi gà, vịt, dê và ao cá; anh Lường Văn Yên, bản Sái Lương, đào ao thả cá và nuôi lợn, gà, vịt… Ðây là những tấm gương để đoàn viên thanh niên vùng cao nghiên cứu, học hỏi, thêm động lực vượt khó, làm giàu trên đồng đất quê hương.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top