Phổ biến tình trạng bán hàng không niêm yết giá

10:48 - Thứ Bảy, 12/09/2020 Lượt xem: 8095 In bài viết

ĐBP - Theo Nghị định 177/2013/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về việc niêm yết giá có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, hàng hóa bày bán tại siêu thị, chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại, đại lý... phải được niêm yết giá và bán đúng giá đã niêm yết. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta, sau gần 7 năm thực hiện, ngoại trừ các siêu thị, chi nhánh, cửa hàng bán lẻ lớn chấp hành nghiêm túc, còn nhiều cửa hàng chưa đảm bảo việc niêm yết giá. Ðặc biệt, tình trạng không niêm yết giá phổ biến ở các chợ truyền thống, hàng tạp hóa nhỏ.

Cán bộ Ðội Quản lý thị trường TP. Ðiện Biên Phủ kiểm tra niêm yết giá hàng hóa tại chợ Trung tâm 3.

Thói quen “mặc cả”

Theo khảo sát tại một số chợ trung tâm trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên, hầu hết các loại hàng hóa đều không được niêm yết giá bán, trừ một số sản phẩm thuộc hàng công nghệ, chế biến công nghiệp đã được nhà sản xuất in trực tiếp trên bao bì. Tại nhiều quầy hàng, việc niêm yết giá nhiều khi chỉ mang tính hình thức nhằm đối phó với lực lượng chức năng.

Chị Phạm Thùy Dương, chủ cửa hàng tạp hóa tại chợ Trung tâm 3 cho biết: “Do cửa hàng bán hàng trăm mặt hàng khác nhau, giá nhập hàng cũng thường xuyên thay đổi nên gây khó khăn cho khâu niêm yết.  Hơn nữa, cửa hàng chỉ có một mình tôi nên với những việc hàng ngày như: Nhập hàng, bán hàng, sắp xếp hàng hóa… bản thân đã làm không hết việc chứ làm sao có thời gian ngồi niêm yết giá từng mặt hàng.”

Còn chị Lê Thị Thủy, chủ cửa hàng bán thực phẩm tươi sống tại chợ Bản Phủ, huyện Ðiện Biên chia sẻ: “Khác với các mặt hàng khô hay quần áo, giày dép, với mặt hàng tươi sống giá cả có nhiều biến động. Những ngày ít khách, chúng tôi phải hạ giá để bán được hết hàng, rất khó thực hiện đúng theo giá niêm yết.”.

Tại chợ Trung tâm 1, TP. Ðiện Biên Phủ, để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, ban quản lý chợ vẫn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các tiểu thương thể hiện văn minh thương mại như: Không nói thách giá, không áp dụng chiêu “mở hàng” để bán giá cao... Trong nội quy chợ cũng đã ghi rõ “tất cả hàng hóa phải được niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết”. Song đến nay, hầu hết các tiểu thương đều không “mặn mà” với các quy định trên.

Lý giải điều này, anh Trần Văn Tùng, chủ cửa hàng bán quần áo thời trang tại chợ Trung tâm 1 cho biết: Bản thân cũng muốn thực hiện nghiêm túc để góp phần bình ổn giá và tạo môi trường kinh doanh văn minh, nhưng tâm lý của khách hàng muốn “mặc cả” bớt 1, 2 giá so với giá chúng tôi đưa ra, vì vậy, nếu có niêm yết giá trên sản phẩm cũng không có tác dụng.

Khảo sát một tại một số ki - ốt bán các mặt hàng túi xách, quần áo thời trang, giày dép, có loại mặc dù được đã được người kinh doanh dán hoặc ghi giá lên sản phẩm song sự chênh lệch với giá thực bán cho khách khá lớn. Nhiều chủ ki - ốt bán theo phương châm “thuận mua vừa bán”, nếu là người quen, khách hàng thân thiết thì bán đúng giá, còn lại với khách lạ sẽ đòi thách cao để người mua trả giảm dần xuống là vừa. Ðơn cử như khi chúng tôi hỏi mua một áo sơ mi nữ được chủ hàng phát giá là 250.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi mặc cả, chủ hàng đồng ý bán với giá 200.000 đồng.

Các chợ trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên đã vậy, chợ tại các xã vùng sâu, vùng xa việc thực hiện niêm yết giá lại càng “lỏng lẻo” hơn; quá trình mua bán chủ yếu được 2 bên thỏa thuận miệng.

Những vướng mắc, bất cập

Nghị định số 49/2016/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NÐ-CP ngày 24/9/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn quy định rõ: Ðối với hành vi “không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật” và “niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng”, nếu vi phạm hai lần trở lên thì bị phạt tiền từ 500 nghìn - 1 triệu đồng; bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá thì mức phạt tiền từ 5 triệu - 10 triệu đồng; phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện… Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 99 vụ vi phạm về lĩnh vực giá, chủ yếu là không niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết với số tiền phạt hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, lực lượng chức năng mới kiểm tra, xử lý vi phạm về niêm yết giá tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, còn tại các quầy hàng, ki-ốt kinh doanh ở chợ truyền thống mới dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết niêm yết giá hàng hóa, bán hàng đúng giá niêm yết…

Về vấn đề này, theo ông Lò Ngọc Minh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Ðiện Biên cho biết: Việc niêm yết giá tại các chợ trên địa bàn tỉnh rất khó thực hiện một cách đồng bộ, một mặt do thói quen mua sắm, nhưng quan trọng hơn là các tiểu thương, doanh nghiệp chưa có ý thức xây dựng kinh doanh thương mại hiện đại. Mặt khác vì hầu hết các chợ có quy mô nhỏ, giá trị hàng hóa nhỏ, rất khó áp dụng. Nhiều người dân chỉ mang bó rau, con cá hay ít hoa quả đến chợ để bán thì rất khó để buộc họ niêm yết giá. Bên cạnh đó, với mức phạt hành chính từ 500 nghìn - 1 triệu đồng áp dụng đối với hành vi vi phạm niêm yết giá lần thứ hai trở lên vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe dẫn đến nhiều hộ kinh doanh vẫn vi phạm và chấp nhận bị xử phạt. Ðây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng không niêm yết giá vẫn phổ biến trên thị trường hàng tiêu dùng.

Một vướng mắc hiện nay là Nghị định 49/2016/NÐ-CP có quy định “…nếu vi phạm hai lần trở lên thì bị phạt tiền từ 500 nghìn - 1 triệu đồng” nhưng trong 1 năm cơ quan chức năng không được kiểm tra 2 lần cùng một đối tượng, một nội dung.

Ðể giải quyết triệt để những vi phạm về quy định niêm yết giá đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, trực tiếp là Cục Quản lý thị trường; chính quyền địa phương, ban quản lý các chợ cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và có các hình thức xử lý phù hợp trong thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cả người bán và người mua phải thay đổi thói quen “thách cao - trả giá thấp” để hướng tới hoạt động kinh doanh hiện đại, minh bạch.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top