Nậm Pồ thận trọng tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

09:26 - Thứ Tư, 16/09/2020 Lượt xem: 3710 In bài viết

ĐBP - Ðợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019, huyện Nậm Pồ có 301 hộ chăn nuôi bị thiệt hại với tổng số 1.992 con lợn bị chết, tiêu hủy. Kể từ khi công bố hết dịch tả lợn châu Phi (tháng 11/2019) đến nay, trên địa bàn huyện không phát sinh thêm ổ dịch. Ðể tạo nguồn thịt lợn cung cấp cho thị trường, hiện các hộ chăn nuôi đang tái đàn lợn trở lại trên cơ sở sử dụng nguồn giống tại chỗ.

Tháng 9/2019, gia đình ông Lò Văn Phá, bản Nà Pẩu, xã Chà Tở bị thiệt hại 21 con lợn thương phẩm (trung bình 60 - 80kg/con) do dịch tả lợn châu Phi. Ông Phá chia sẻ: Sau 6 tháng kể từ khi công bố hết dịch, tháng 5/2020 gia đình tôi đã vệ sinh chuồng trại (phun hóa chất khử khuẩn, rắc vôi bột 2 lần/tháng) và bắt đầu nuôi lợn trở lại. Nhưng do khan hiếm lợn giống nên giá lợn giống cao (trung bình từ 2 - 2,5 triệu đồng/1 con khoảng 10kg); trước mắt gia đình chỉ mua 10 con lợn giống; chấp nhận để trống 1/2 diện tích chuồng chuyển sang chăn nuôi gia cầm. Phần vì thiếu vốn, phần vì lo dịch bùng phát trở lại nếu đầu tư nhiều một lúc nguy cơ thiệt hại sẽ lớn. Hiện nay, gia đình vẫn luôn đảm bảo các điều kiện phòng dịch, như: Rắc vôi bột quanh khu vực chăn nuôi và phun phòng, tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho đàn lợn.

Gia đình chị Khoàng Thị Triệu, bản Nà Ín, xã Chà Nưa là một trong những hộ chăn nuôi quy mô lớn của xã. Do làm tốt công tác phun phòng, khử khuẩn, thực hiện tốt quy trình cách ly tại trang trại chăn nuôi nên trang trại của gia đình chị Triệu không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Theo khuyến cáo của cán bộ thú y, chị không tăng đàn bằng cách nhập giống bên ngoài mà duy trì ổn định trên cơ sở gây đàn lợn giống tại chỗ, kiểm soát chặt chẽ đầu vào nguồn giống. Chị Triệu cho biết: Hiện gia đình có 11 con lợn nái, sinh sản được bao nhiêu thì nuôi bấy nhiêu chứ không nhập thêm giống ngoài đề phòng dịch bệnh. Dự kiến cuối tháng 9 này, trang trại của gia đình sẽ có thêm 3 con lợn nái đẻ. Tổng đàn lợn của gia đình hiện nay là trên 70 con lợn thương phẩm. Theo chị Triệu, để đảm bảo phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi, việc quan trọng nhất là tiêu độc khử trùng. Quy trình này gia đình chị thực hiện đều đặn hàng ngày, theo chuỗi là: Làm sạch chuồng trại bằng nước, phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột quanh chuồng. Ðồng thời cho lợn ăn đảm bảo dinh dưỡng và cho ăn thêm một số chế phẩm thú y nhằm tăng sức đề kháng. 

Chà Nưa là một trong những xã có nhiều hộ chăn nuôi lợn của huyện. Ông Thùng Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2019, trên địa bàn xã có 13 hộ ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi làm chết 268 con lợn (với trọng lượng 10,4 tấn). Từ khi công bố hết dịch đến nay, xã đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, hướng dẫn người dân tiếp tục các biện pháp tiêu độc khử trùng để tái đàn sau dịch. Trên cơ sở đó, khuyến cáo hộ chăn nuôi trong quá trình tái đàn không thực hiện ồ ạt, mà phải triển khai đúng với lộ trình, hướng dẫn của huyện, tỉnh; bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế. Ðồng thời, kiểm soát tốt các nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh, không để tái phát dịch tả lợn châu Phi. Trước mắt, xã khuyến khích, vận động bà con tập trung ưu tiên tái đàn lợn nái để đảm bảo có con giống tại chỗ phục vụ nhu cầu chăn nuôi của người dân trong xã.

Ông Phạm Trần Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ, cho biết: Ðể kịp thời định hướng người dân tháo gỡ khó khăn, Trung tâm cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều văn bản triển khai tới cấp cơ sở. Trong đó, bao gồm các nội dung nhiệm vụ theo sát diễn biến thực tế: Hướng dẫn tạm thời khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn, tăng cường biện pháp an toàn sinh học; hướng dẫn kê khai hoạt động chăn nuôi; công tác tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Ðể thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển ổn định đàn lợn, huyện đã chỉ đạo tập trung tăng đàn tại chỗ ở các cơ sở chăn nuôi tập trung đủ điều kiện. Ðồng thời, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô gia trại, trang trại an toàn sinh học, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Chỉ đạo các xã làm tốt việc nắm bắt tình hình dịch bệnh tại cơ sở, triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi như: Tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng, nhất là tại các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật trái phép, không rõ nguồn gốc vào địa bàn...

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top