Xóa đói giảm nghèo bền vững ở Mường Nhé

10:42 - Chủ Nhật, 20/09/2020 Lượt xem: 5600 In bài viết

ĐBP - Là huyện biên giới, những năm qua công tác xóa đói giảm nghèo luôn được Ðảng bộ, chính quyền huyện Mường Nhé quan tâm. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững, huyện Mường Nhé đã đạt nhiều thành tựu đáng mừng, đời sống nhân dân, nhất là khu vực vùng cao, biên giới ngày càng ấm no, đủ đầy hơn; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 74,02% (năm 2015) xuống còn 58,43% (năm 2020)...

Người dân bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu sơ chế ngô sau thu hoạch.

Xác định triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững là cơ hội, tiền đề để đồng bào các dân tộc thiểu số có thêm tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội... Vì thế, ngay từ khi triển khai, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé đã huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Ðặc biệt, các chương trình, dự án khi triển khai đã từng bước phát huy hiệu quả, mở ra cơ hội để người nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm và có thu nhập ổn định. Nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề (mắc ca, cao su, cây dược liệu dưới tán rừng...) đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, các chương trình, dự án về giảm nghèo đã được triển khai tích cực, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các chương trình, dự án khác. Cơ sở hạ tầng tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, hệ thống điện - đường - trường - trạm, các công trình phúc lợi (thủy lợi, nhà văn hóa...) được đầu tư đồng bộ, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện Mường Nhé tập trung các dự án: Chương trình 30a; 135/CP; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình giảm nghèo. Trong đó, huyện tập trung thực hiện giải ngân, quyết toán vốn sự nghiệp và vốn đầu tư Chương trình 30a là gần 134 tỷ đồng. Huyện đã tổ chức duy tu bảo dưỡng 25 công trình, hạ tầng cơ sở; hỗ trợ 1.080 con trâu, bò giống sinh sản cho 2.297 hộ, 27.492 con gia cầm giống cho 262 hộ, hỗ trợ hộ nghèo làm chuồng trại (2 triệu đồng/hộ/142 hộ). Cùng với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, thông qua nguồn vốn giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, huyện Mường Nhé đã giải quyết việc làm mới cho hơn 400 lao động/năm. Bên cạnh giải quyết việc làm tại chỗ, huyện còn mở các lớp tập huấn, tạo điều kiện để người lao động đi xuất khẩu lao động có thời hạn tại các thị trường có thu nhập cao (tính đến hết tháng 3/2020 huyện Mường Nhé có 8 lao động đi xuất khẩu, tập trung ở các thị trường như: Hàn Quốc, Ả Rập Xê út, Nhật Bản...). Cùng với đó, giải ngân, quyết toán nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 60 tỷ đồng, huyện Mường Nhé đã tổ chức hỗ trợ 390 con trâu, bò giống cho các hộ nghèo, cận nghèo (theo hình thức nhóm hộ); 979 hộ được hỗ trợ về con giống; hỗ trợ dụng cụ sản xuất cho 33 hộ, giống nông nghiệp cho 288 hộ thuộc diện hộ nghèo để phát triển sản xuất.

Xã biên giới Leng Su Sìn những năm gần đây nhờ được thụ hưởng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 94% (năm 2016) giảm còn 72% (2020). Ông Trịnh Duy Ðáp, Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn chia sẻ: Ðể tiếp thêm động lực cho bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, từ nguồn vốn giảm nghèo bền vững, xã đã hỗ trợ, tạo sinh kế để hộ nghèo, cận nghèo có thêm tư liệu sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế mới. Ðến hết tháng 9/2020, từ nguồn vốn Nghị quyết 30a xã đã hỗ trợ 28 con bò sinh sản; nguồn vốn 135/CP và nông thôn mới hỗ trợ 30 con bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc 2 bản (Cà Là Pá và Cà Là Pá 1); từ đó góp phần giúp người dân ổn canh, ổn cư, yên tâm xây dựng và phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top