Huyện Ðiện Biên

Tập trung đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

09:12 - Thứ Hai, 21/09/2020 Lượt xem: 6406 In bài viết

ĐBP - “Huyện Ðiện Biên là địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp. Huyện cũng xác định kinh tế nông nghiệp là chủ lực nên việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn những năm gần đây tập trung chủ yếu vào các nghề nông nghiệp, phù hợp với tình hình, đặc điểm từng xã. Qua đó truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho người dân, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp” - Ông Trần Văn Hải, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) huyện Ðiện Biên cho biết.

 

Cán bộ, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ðiện Biên hướng dẫn học viên lớp “Kỹ thuật trồng - quản lý dịch hại trên cây lúa” xã Na Ư cách nhận biết và phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa giai đoạn trĩu bông, nặng hạt. Ảnh: Nguyễn Hiền

Mới đây, ngày 16/9, lớp đào tạo nghề “Kỹ thuật trồng - quản lý dịch hại trên cây lúa” tại xã Na Ư đã bế giảng, kết thúc hơn 2 tháng học và thực hành. Lớp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ðiện Biên hợp đồng với Phòng LÐ-TB&XH huyện tổ chức triển khai. 35 học viên đến từ các bản: Na Ư, Con Cang và Ca Hâu tham gia lớp học đã hoàn thành 50 giờ lý thuyết và 460 giờ thực hành. Học viên trực tiếp áp dụng kiến thức được học, từ các khâu ủ thóc, xuống giống, tỉa dặm, chăm sóc, phòng, trị bệnh vào diện tích 500m2 lúa Bắc thơm của gia đình bà Ly Thị Vy, bản Na Ư (do Trung tâm ký kết hợp đồng). Hiện lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt, bông đã trĩu nặng hạt, chuyển vàng, sắp cho thu hoạch. Ông Ly A Pó, Lớp trưởng lớp đào tạo nghề, đồng thời là Trưởng bản Na Ư cho biết: “Bà con thấy ruộng lúa tốt thế này đều rất phấn khởi. Từ trước đến nay, lúa bị bệnh thì chúng tôi lại báo cho khuyến nông xã đến xem hoặc cầm cây lúa ra hàng thuốc bảo vệ thực vật để hỏi và mua thuốc về phun. Người dân chưa biết nhận biết các loại bệnh trên cây lúa và phát hiện cũng muộn, không kịp thời. Nay học xong lớp đào tạo nghề, chúng tôi đều đã nhận biết được và xử lý, phòng trị như thế nào các bệnh phổ biến trên cây lúa, như: Ðạo ôn cổ bông, rầy nâu, sâu cuốn lá… Ngoài ra còn biết ủ đúng cách cho hạt thóc giống nảy mầm đều, khỏe, tỷ lệ sống cao. Các hộ đều áp dụng luôn vào ruộng lúa vụ này của nhà mình nên năng suất năm nay chắc sẽ cao hơn trước”.

Ðược biết năng suất lúa bình quân vụ hè thu trên địa bàn xã Na Ư khoảng 4,5 - 5 tạ/1.000m2. Vụ này, tình hình dịch bệnh trên lúa diễn ra phức tạp. Ðối với các hộ tham gia lớp học, diện tích lúa của gia đình đã được phát hiện bệnh và phun trừ kịp thời, hạn chế ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hơn ruộng của các hộ khác. Ðây là kết quả tích cực, rất thực tế mà khóa đào tạo nghề mang lại.

Ngoài lớp đào tạo nghề tại xã Na Ư, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện còn hợp đồng với Phòng LÐ-TB&XH mở 7 lớp khác tại nhiều xã trên địa bàn, với 3 nghề: Kỹ thuật nuôi cá nước ngọt trong ao hồ; kỹ thuật trồng, bảo quản và chế biến nấm; kỹ thuật trồng - quản lý dịch hại trên cây lúa. Triển khai từ đầu tháng 4, hầu hết các lớp đã hoàn thành thời gian học. Mỗi lớp có 35 học viên, 2 giáo viên giảng dạy. Trong thời điểm cao điểm dịch bệnh Covid-19, hạn chế tụ tập từ 30 người trở lên theo chỉ đạo của UBND tỉnh, lớp được chia làm 2 nhóm, nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh. Ðánh giá về các học viên, Trung tâm nhận xét học viên có ý thức, tích cực tham gia học tập. Tuy nhiên vì dạy ngay tại địa bàn, học viên vừa tham gia học nghề vừa bận công việc gia đình, lao động sản xuất nên để lớp học thực sự hiệu quả và đông đủ phải có cách thức tổ chức và giảng dạy phù hợp. Ông Phạm Văn Huấn, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Các lớp phải bố trí thời gian linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Hầu hết lớp học phải mở vào buổi trưa hoặc cuối giờ chiều, khi bà con đi nương về. Hơn nữa khả năng tiếp thu kiến thức của học viên không đồng đều nên kiến thức truyền đạt luôn được chuẩn bị, trình bày dễ hiểu, cầm tay chỉ việc là chính. Lý thuyết đều được áp dụng cụ thể ngay vào thực tế để từng học viên nhớ và thuần thục cách làm. Nhờ vậy sau mỗi khóa đào tạo, học viên đều nắm vững kiến thức và thành thạo thực hành, áp dụng tốt vào thực tế”.

Năm 2020, huyện Ðiện Biên mở 20 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, do Phòng LÐ-TB&XH hợp đồng với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Các nghề được mở lớp đều dựa trên khảo sát, lấy ý kiến, nguyện vọng của nông dân trên địa bàn, bao gồm: Kỹ thuật trồng nấm, chăm sóc lợn nái sinh sản, chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm, kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây ngô, lúa, cây ăn quả… Ðây đều là những nghề phổ biến, được định hướng phát triển trên địa bàn. Ngoài các nghề đã được đào tạo, vẫn còn một số nghề người dân có nhu cầu, mong muốn được học hỏi, nâng cao tay nghề nhưng chưa mở được lớp hoặc dự kiến mở trong những năm tiếp theo, như trồng khoai lang, một số loại cây mới. Qua các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, việc chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là tại các xã vùng cao có nhiều thay đổi tích cực, góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện Ðiện Biên.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top