Dự án đường Na Sang - Huổi Mí - Tủa Chùa

Thêm nhiều khó khăn sau mùa mưa

08:26 - Thứ Ba, 22/09/2020 Lượt xem: 5910 In bài viết

ĐBP - Dự án đường Na Sang - trung tâm xã Huổi Mí - Nậm Mức - thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng (phân đoạn thị trấn Tủa Chùa - Nậm Mức - Huổi Mí) có chiều dài 48km, tổng mức đầu tư 690 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Ban Quản lý dự án (QLDA) các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Từ thời điểm triển khai (9/2018) đến nay, Dự án đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích rừng và đất rừng. Sau mùa mưa năm nay, Dự án tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn khi xuất hiện nhiều điểm sụt, sạt lớn, cản trở máy móc, thiết bị và nhân lực của các nhà thầu thi công.

Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng & Thương mại Huy Hoàng khắc phục sụt sạt, tại km 16, thuộc xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà.

Có mặt tại điểm đầu tuyến đường của Dự án, từ xã Huổi Mí - xã Nậm Nèn (huyện Mường Chà), chúng tôi thấy nhiều điểm sạt lở từ ta luy dương, với khối lượng đất đá tương đối lớn, phủ kín một phần lòng đường. Cá biệt, có một số điểm, đất đá sạt lở lấp kín mặt đường. Cùng đi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Giám đốc Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh Điện Biên, cho biết: “Do mùa mưa năm nay kéo dài và lượng mưa nhiều, đã gây ra nhiều đoạn sạt lở trên tuyến đường này, ảnh hưởng tới việc thi công của các nhà thầu. Tính đến giữa tháng 9, trên chiều dài 48km toàn tuyến đường đã xuất hiện trên 220 điểm sạt lở lớn, nhỏ, với tổng khối lượng sạt lở ước tính 350 nghìn mét khối đất đá; làm ách tắc lưu thông toàn tuyến và khiến một số nhà thầu đang thi công không thể huy động, di chuyển thêm máy móc vào thi công”.

Trên toàn tuyến của Dự án có nhiều đoạn sạt lớn như: Km3+ 30, km6+ 500, km10+200, km15 +200, km16+100, km22+300, km29+100, km38+100, km38+900, km39 +900, km41+758, km45+700... Cá biệt, tại km15+500 và 16+400 khối lượng đất đá và cây cối từ ta luy dương sạt xuống đã tràn vào nhà dân ven đường; còn tại km46+242, đất đá tràn xuống cũng vùi lấp, tắc nghẽn lưu thông cống thoát nước dưới lòng đường, gây ứ đọng nước trên bề mặt đường.

“Trước tình trạng sụt, sạt nghiêm trọng này, chúng tôi đã nhanh chóng mời đơn vị bảo hiểm dự án và các nhà thầu thi công xác định toàn bộ khối lượng sụt, sạt; đồng thời thống nhất phương án khắc phục tổn thất, tu sửa đường giao thông để tiếp tục triển khai các công việc theo hồ sơ thiết kế của dự án” - ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Giám đốc Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh cho biết.

Thời điểm này, tại vị trí km16 (thuộc xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà), nằm giữa cung đường xã Huổi Mí - xã Nậm Nèn, Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng & Thương mại Huy Hoàng tập trung máy móc và công nhân khẩn trương hót dọn đất đá tràn từ ta luy dương xuống lòng đường và khắc phục những đoạn nền đường bị hư hỏng. Anh Nguyễn Hữu Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng & Thương mại Huy Hoàng, trực tiếp chỉ huy công trường, cho biết: “Trong gói thầu 1 của Dự án đường Na Sang - Huổi Mí – Tủa Chùa, chúng tôi thi công ở đầu tuyến, từ km16 - 29 (từ xã Nậm Nèn - xã Huổi Mí, huyện Mường Chà). Sau mùa mưa, đoạn chúng tôi thi công xuất hiện 29 điểm sạt lớn, làm ách tắc cục bộ, khiến một số nhà thầu thi công tuyến dưới không thể di chuyển thêm máy móc vào thi công hay khắc phục sụt, sạt. Do đó, từ đầu tháng 9, đơn vị chúng tôi đã nhanh chóng tập kết thêm máy móc dọn dẹp đất đá sụt, sạt và tu sửa nền đường. Nếu thời tiết khô ráo, thì nhanh nhất đến đầu tháng 10, chúng tôi sẽ khắc phục xong toàn bộ sụt, sạt, trả lại nền đường tạm thời cho các phương tiện lưu thông trong tuyến.

Được biết, đến nay các gói thầu thi công trong Dự án đường Na Sang - Huổi Mí - Tủa Chùa đã đạt 73% giá trị. Trong đó, nền đường hoàn thành 100%, công trình cầu đạt 85%; tường chắn thi công 44/47 vị trí đạt 94%... “Thời gian đầu dự án gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và rừng kéo dài. Tuy nhiên, Ban QLDA các công trình giao thông đã xây dựng kế hoạch chi tiết, áp dụng nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ công trình từ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ chính sách, bàn giao mặt bằng; đồng thời chỉ đạo bộ phận quản lý dự án, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và huy động đầy đủ nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị để tổ chức thi công... Đến nay, cùng với những sụt, sạt lớn toàn tuyến, chúng tôi còn gặp thêm khó khăn về việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ không đáp ứng theo kế hoạch thực hiện dự án. Để Dự án đường Na Sang - Huổi Mí - Tủa Chùa có thể hoàn thành trong năm 2020 theo đúng kế hoạch, thì nhu cầu vốn giải ngân cho khối lượng xây lắp lúc này cần thêm là trên 109 tỷ đồng” - ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Giám đốc Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh cho biết thêm.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top