Đến năm 2025 mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy lên 1.500ha/vụ

15:20 - Thứ Ba, 22/09/2020 Lượt xem: 5777 In bài viết

ĐBP - Ngày 22/9, UBND huyện Điện Biên tổ chức Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ máy cấy lúa” trên cánh đồng Mường Thanh.

Lãnh đạo huyện Điện Biên và đại diện nông dân các xã tham quan, đánh giá chất lượng lúa cấy bằng máy trên cánh đồng xã Thanh Xương.

Từ năm 2019, UBND huyện Điện Biên triển khai hỗ trợ nông dân, tổ chức mua 31 máy cấy lúa kéo tay áp dụng trên 95ha tại cánh đồng Mường Thanh; năm 2020 hỗ trợ thêm 14 gia đình mua 14 máy, nâng tổng diện tích lúa sử dụng cấy bằng máy lên 230ha. Kết quả sử dụng máy cấy bằng tay đã giảm 90% tỷ lệ lúa lẫn; giảm 30% lượng giống gieo; giảm 25-30% chi phí sản xuất; đặc biệt giảm sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ ốc bươu vàng, công lao động so với phương thức gieo vãi. Năng suất lúa thu được trên diện tích cấy lúa bằng máy tăng hơn 10 triệu đồng/ha.

Tại hội thảo, ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Việc sử dụng máy cấy lúa trên cánh đồng Mường Thanh thời gian qua đã cho thấy hiệu quả rõ rệt về: năng suất, chất lượng và tiết kiệm chi phí chăm sóc so với hình thức gieo sạ. Do đó, năm 2021 UBND huyện Điện Biên sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ kinh phí trang bị máy cấy lúa cho nông dân các xã vùng lòng chảo, như: Thanh Xương, Thanh An, Thanh Hưng, Noong Hẹt, Pom Lót… mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy lên trên 300ha; năm 2022 toàn huyện có 500ha/vụ sử dụng cấy lúa bằng máy và đến năm 2025 có 1.500ha/vụ áp dụng hình thức cấy lúa này.

Đối với hộ gia đình, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất liên kết trên mô hình cánh đồng lớn được hỗ trợ 50% giá trị mua máy cấy lúa (không quá 10 triệu đồng/máy); các hộ dân, tổ chức có tham gia sản xuất lúa nhưng không theo mô hình cánh đồng lớn, không thực hiện dồn điền đổi thửa thì được hỗ trợ tối đa 30% giá trị mua máy cấy lúa nhưng không quá 5 triệu đồng/máy. 

Tin, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top