Vấn đề tuần này

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết

08:45 - Thứ Năm, 24/09/2020 Lượt xem: 5574 In bài viết

ĐBP - Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp đã trở thành xu hướng tất yếu để tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện rộng rãi, chưa có nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giữa vùng nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm.

Một trong những rào cản thực hiện chuỗi liên kết là nông dân ngại thay đổi phương thức canh tác cũng như thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Bà con vẫn canh tác theo lối truyền thống, nông sản làm ra chủ yếu tiêu thụ tại các chợ bán lẻ địa phương; ngay cả với một số hộ thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản nhưng vẫn sẵn sàng phá vỡ liên kết, bán hàng cho tư thương khi được trả giá cao hơn. Về phía doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết thì tiềm lực còn hạn chế, chưa thể cung ứng toàn bộ giống, vốn, hướng dẫn kỹ thuật cũng như mở rộng quy mô sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Là tỉnh còn nhiều khó khăn song những năm qua, UBND tỉnh vẫn ưu tiên dành nguồn kinh phí hỗ trợ các dự án, mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và giữ gìn thương hiệu một số nông sản đặc trưng của địa phương. Nhiều dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đã được phê duyệt; khuyến khích nông dân liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp hình thành vùng sản xuất tập trung, phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Thực tế, các mô hình, dự án hợp tác, liên kết mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt hơn so với sản xuất truyền thống: Giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng, tăng giá trị nông sản. Nông dân tham gia mô hình liên kết vừa giảm ngày công lao động, giảm chi phí đầu tư nhờ cơ giới hóa; đồng thời nâng cao trình độ sản xuất thông qua các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm. Nông sản làm ra được thu mua, bao tiêu, truy xuất nguồn gốc và tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại, các siêu thị, sàn giao dịch thương mại điện tử… Ðể có được những lợi thế đó, nông dân phải tuân thủ quy trình canh tác, đảm bảo kỹ thuật, đáp ứng các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Hợp tác xã H’Mông liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ su su, chanh leo, bí đỏ, khoai sọ trên địa bàn xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) với vùng nguyên liệu gần 30ha. Nông sản được Hợp tác xã bao tiêu, cung cấp cho các trường học, doanh nghiệp, bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện. Dù quy mô còn khiêm tốn song nông sản có đầu ra ổn định, các hộ tham gia liên kết đều có thu nhập cao hơn 3 - 4 lần so với gieo trồng lúa nương. Còn Công ty TNHH Safe Green (huyện Ðiện Biên) liên kết với một số đối tác (hộ nông dân, hợp tác xã) sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn, chủ động nguồn hàng chất lượng. Khai thác đặc sản gạo Ðiện Biên ở cánh đồng Mường Thanh, một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã liên kết với nông dân hình thành vùng sản xuất an toàn: Doanh nghiệp cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản lượng thóc sau thu hoạch.

Giá trị và lợi ích của sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết đã rõ nhưng việc nhân rộng mô hình chuỗi liên kết lại gặp khó khăn. Bởi hầu hết doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đều rất nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, dịch vụ đơn điệu, hiệu quả kinh doanh thấp; nông dân sản xuất manh mún, chưa đảm bảo đồng đều chất lượng, số lượng nên khó khăn trong ký kết hợp đồng. Trong khi đó, việc đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, giá cả nông sản thiếu ổn định, chưa quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn nên khó thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết không chỉ giúp nông dân chủ động đầu ra sản phẩm, doanh nghiệp có nguồn hàng chất lượng cao mà cơ quan chức năng cũng dễ dàng quản lý và người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Ðể đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết thời gian tới cần sự nỗ lực, cố gắng từ nhiều phía. Trong đó, chính quyền tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư hạ tầng; rà soát quy hoạch hàng hóa theo vùng sản xuất; phối hợp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ; hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho nông sản địa phương... Doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân thực hiện chặt chẽ hơn các cam kết trong liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, mở rộng quy mô vùng nguyên liệu, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh tập trung. Bên cạnh đó xây dựng, ban hành quy định chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Gia Huy
Bình luận
Back To Top