Nông sản khó “chen chân” vào kênh bán lẻ hiện đại

08:50 - Thứ Năm, 24/09/2020 Lượt xem: 6760 In bài viết

ĐBP - Hiện nay phần lớn doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu về mẫu mã, bao bì và chất lượng sản phẩm nên một lượng lớn nông sản vẫn đang ở bên ngoài các kênh phân phối hiện đại như: Hệ thống siêu thị, sàn giao dịch thương mại điện tử...

Nông sản Ðiện Biên chưa tiếp cận được các kênh bán hàng hiện đại. Trong ảnh: Khách hàng tham quan gian hàng triển lãm, giới thiệu sản phẩm nông sản Ðiện Biên tại hội chợ thương mại nông sản tại Hà Nội.

Cơ sở sản xuất thiếu thông tin

Hiện nay, 2 sản phẩm: Mật ong Hoa Ban và mật ong bánh tổ của Hợp tác xã (HTX) Ong mật Ðiện Biên đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, là 2 sản phẩm đầu tiên của tỉnh được xếp hạng 4 sao. Với quy mô trên 2.000 đàn ong nuôi tự nhiên, thời điểm chính vụ mùa hoa rừng, sản lượng mật ong do HTX Ong mật Ðiện Biên sản xuất ra đạt 100 tấn mật ong thô/vụ. Do vậy, HTX rất muốn liên kết với hệ thống phân phối, bán lẻ như: Siêu thị, các sàn giao dịch điện tử về nông sản. Thế nhưng, 2 năm nay, HTX Ong mật Ðiện Biên vẫn loay hoay với câu hỏi: Làm thế nào để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại?

Anh Nguyễn Tiến Ðạt, Giám đốc HTX Ong mật Ðiện Biên cho biết: Có thời điểm HTX tồn hàng chục tấn mật ong, không biết bán cho ai. HTX đã liên kết với một số doanh nghiệp, đại lý phân phối nhưng số lượng tiêu thụ chỉ đáp ứng khoảng 10 - 20% sản lượng. Do đó, để tránh tình trạng hàng tồn kho, đơn vị đành phải liên hệ với các thương lái dưới xuôi để bán mật thô với giá rất rẻ, chỉ bằng nửa giá trị sản phẩm mật ong thành phẩm đạt chuẩn.

Cùng chung băn khoăn như anh Ðạt, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc HTX Na Sang cho biết: HTX có 161ha dứa cho thu hoạch, sản lượng bình quân 3.220 tấn/vụ. 2 năm gần đây, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tấn Phát (tỉnh Nam Ðịnh) nhưng sản lượng chỉ được 1.000 tấn/năm. Do đó, tìm kênh phối, bán hàng với số lượng lớn, ổn định là mong muốn cấp thiết của các xã viên HTX. Ðể tìm đầu ra cho sản phẩm, chúng tôi đã làm việc với một số cửa hàng bán lẻ, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh song họ mua với giá thấp hơn giá thương lái ở chợ, số lượng ít, mỗi lần chỉ vài tạ thì không đủ kinh phí vận chuyển. HTX mong muốn đưa sản phẩm vào bán tại các siêu thị song chưa rõ thủ tục, yêu cầu như thế nào?

Trước những băn khoăn của nhà sản xuất, bà Trần Thị Thanh Phương, cán bộ Phòng Kinh doanh (Bưu điện tỉnh) phụ trách sàn giao dịch điện tử về nông sản Postmart.vn tại Ðiện Biên cho biết: Việc đưa hàng hóa vào siêu thị, sàn thương mại điện tử phải trải qua nhiều quy trình, trong đó khâu hoàn thiện hồ sơ ban đầu có vai trò quyết định. HTX, cơ sở sản xuất phải có đầy đủ chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán. Chỉ khi hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thì doanh nghiệp, HTX mới có thể đăng ký tham gia sàn giao dịch điện tử.

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Thực tế cho thấy, mặc dù đã có nhiều chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản giữa các địa phương và doanh nghiệp, song sự manh mún, nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sản phẩm bí đầu ra, bấp bênh trên thị trường.

Ðơn cử như HTX Na Sang, trong 161ha dứa cho thu hoạch, chỉ có 36ha dứa đạt chuẩn VietGAP. Tức là trong 3.220 tấn dứa sản xuất ra mỗi năm chỉ có 720 tấn dứa đảm bảo các tiêu chuẩn được cơ quan chức năng thẩm định và công nhận (chiếm 22,3%). Do đó, đối chiếu với những yêu cầu, quy định ngặt nghèo của các siêu thị, sàn giao dịch điện tử khi lựa chọn đầu vào thì phần lớn sản phẩm dứa của HTX Na Sang chưa đạt. Vậy nên, dù người sản xuất mong muốn, vùng nguyên liệu đảm bảo song sản phẩm vẫn không thể vào các kênh phân phối hiện đại.

Bà Trần Thị Thanh Phương cho biết: Dù đã hoạt động tại Ðiện Biên được gần 2 năm, song số lượng nông sản Ðiện Biên trên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn rất ít bởi nhiều sản phẩm đơn vị chủ quản không chứng minh được nguồn gốc sản phẩm, chất lượng sản phẩm chưa qua kiểm định... Chính vì vậy, để vào hệ thống phân phối hiện đại, các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất, hoạt động theo hướng quy mô, chuyên nghiệp và bài bản hơn, đáp ứng 100% tiêu chuẩn đầu vào của đơn vị phân phối.

Ðối với các sản phẩm đã đủ điều kiện song doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa thể tiếp cận kênh phân phối hiện đại, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp đòi hỏi cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Ông Trịnh Duy Ðông, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Năm 2020, Sở Công Thương hướng đến việc đưa nông sản Ðiện Biên lên sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm khắc phục hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông và nguồn lực doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, hiện nay do nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp nên chưa thể mở sàn giao dịch điện tử như một số tỉnh, thành phố khác. Do đó, trên cơ sở kinh phí tỉnh cấp, ngoài việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, Trung tâm chỉ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận về lĩnh vực thương mại điện tử. Năm 2020, Trung tâm đang triển khai hỗ trợ 5 website bán hàng đa kênh cho 5 doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top