Nông sản Tủa Chùa

Cần một “thương hiệu” chính danh

08:53 - Thứ Năm, 24/09/2020 Lượt xem: 5054 In bài viết

ĐBP - Trong mục tiêu nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Tủa Chùa lần thứ XVIII xác định: “Ðẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng nông, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch và dịch vụ; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương…”. Có thể thấy, phát triển nông, lâm, thủy sản vẫn là hướng đi được ưu tiên hàng đầu ở nơi đây. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện tại, chặng đường phía trước của nông nghiệp Tủa Chùa sẽ gặp không ít khó khăn…

Chợ phiên Xá Nhè (xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa) chủ yếu bày bán các sản phẩm mang từ nơi khác đến. Ảnh: Lan Phương

“Tiềm năng, thế mạnh” vắng bóng

Với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng đặc trưng, những “tiềm năng, thế mạnh” trong nông nghiệp ở Tủa Chùa đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, được đánh giá là sản vật tạo được tiếng vang trong tỉnh như: Gà xương đen, dê núi đá, cá sông Ðà, rượu Mông Pê, chè Shan tuyết… hay như quả sơn tra khi trồng ở Tủa Chùa cũng được đánh giá là thơm, ngọt hơn nơi khác. Nhưng đến thời điểm này, theo thông tin chúng tôi được biết, hiện chỉ có sản phẩm trà Shan tuyết được công nhận  “3 sao” theo tiêu chí sản phẩm OCOP khi đạt đủ các yếu tố: Tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, khả năng tiếp thị, chất lượng sản phẩm.

Rong ruổi vài ngày đến các xã của vùng cao nguyên đá Tủa Chùa, trải nghiệm, chứng kiến các hoạt động sản xuất, giao thương của người dân nơi đây, theo quan sát của chúng tôi, những sản phẩm đặc trưng hầu hết vắng bóng. Cụ thể như: Khi tìm mua gà xương đen, dù đã đến chợ phiên, rồi nhờ người bạn là dân địa phương tìm mua nhưng chúng tôi vẫn thất bại bởi theo anh bạn người địa phương thì “người ta đã đến tận nhà người nuôi gà, đặt trước từ lúc gà mới trổ cánh”. Hay như sản phẩm dê núi đá, được nuôi nhiều ở các xã: Lao Xả Phình, Sín Chải, Tủa Thàng… với nhiều ưu điểm về sinh trưởng, chất lượng thịt nhưng nếu gọi là thương hiệu theo đúng nghĩa thì chưa. Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng hầu hết những người được hỏi đều cho biết: Dê Tủa Chùa giờ chủ yếu xuất ra ngoại tỉnh, đến các địa bàn miền xuôi, nơi có sức tiêu thụ thịt dê thành phẩm cao như Hà Nội, Vĩnh Phúc, đặc biệt là Ninh Bình - địa phương đã xây dựng được thương hiệu thịt dê núi đá nức tiếng cả nước. Ðối với cá sông Ðà, nhất là 2 loài quý là cá lăng và cá chiên, khi ngư dân vùng lòng hồ sông Ðà như bến Huổi Só (xã Huổi Só), bản Huổi Trẳng (xã Tủa Thàng) đánh bắt được, bán tại thuyền với giá từ 150 - 200 nghìn đồng/kg (loại từ hơn 1kg đến 3kg), loại trên 3kg đến cả yến giá sẽ cao hơn nhưng giờ hiếm và giá cũng không quá 500 nghìn đồng/kg. Và hầu hết được thương lái thu mua ngay sau khi đánh bắt được. Những thương lái này sau đó mang cá lăng, cá chiên xuôi dòng về Sơn La, Phú Thọ tiêu thụ. Còn đối với rượu Mông Pê, theo ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn: Rượu là loại hàng hóa phải hạn chế trong kinh doanh thương mại, mang tính đặc thù, Nhà nước không khuyến khích và được áp thuế tiêu thụ đặc biệt (rượu Mông Pê có nồng độ cao nên sẽ phải áp thuế kịch khung là 65%). Vì vậy, dù trước đây có một số hộ, nhóm hộ muốn thương mại hóa sản phẩm này nhưng “chịu không nổi” các quy định trong sản xuất, kinh doanh và mức thuế nên đành bỏ cuộc. Hiện rượu Mông Pê chỉ tiêu thụ theo hướng đặt hàng miệng hoặc cung cấp mang tính tự phát.

Sau khi thống kê một loạt hiện trạng về các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Tùa Chùa, một câu hỏi được đặt ra là: Cơ bản các sản phẩm đều có sức tiêu thụ tốt mà vì sao không thành được thương hiệu của tỉnh, của huyện, đạt “sao” OCOP? Câu trả lời được chính những người trong cuộc bộc bạch: Ðó chính là nỗi niềm trăn trở về nông sản Tủa Chùa. Bởi “có tiếng mà không có miếng” khi dê thì mang về dưới xuôi để thành thương hiệu của “người ta”; cá lăng, cá chiên lên mâm ở những nhà hàng sang trọng nơi phố thị có giá vài triệu đồng/kg, gấp hàng chục lần so với nơi đánh bắt được, giá trị cuối cùng rơi cả vào tay thương lái. Còn gà thì dân địa phương bây giờ thích loại đông lạnh, chỉ có ức và “cái đùi to như bắp tay”, vừa tiện, vừa rẻ, ăn vẫn như… thịt gà! Gà đen, gà đồi nuôi được dành bán cho thương lái chuyên đi thu gom nhỏ lẻ, chứ đợi để hợp tác sản xuất, tìm nguồn bao tiêu sản phẩm chính danh, trở thành thương hiệu thì… lâu lắm! Với thực trạng như vậy, nói  sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Tủa Chùa đang bị “chảy máu” cũng không sai.  

Ðợi một nghị quyết chuyên đề tâm huyết

Trao đổi với ông Vàng A Páo, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tủa Chùa về phát triển lĩnh vực nông nghiệp nói chung, tạo thương hiệu, bao tiêu sản phẩm đặc trưng nói riêng, ông Páo cho biết: Như các anh đã thấy, thực trạng phát triển nông nghiệp của huyện rất khó khăn. Nhiều sản phẩm đã được đặt tên nhưng không “lớn” được. Nguyên nhân chính là thiếu nguồn lực để thương mại hóa, suất đầu tư lớn nên huyện cần có các chủ thể đủ tầm và cả tâm để vực dậy những sản phẩm đang dần “phai nhạt giá trị thương hiệu”. Cùng với đó, hạ tầng giao thông cũng là điều kiện tối quan trọng, hiện có cảm giác Tủa Chùa giống như một vùng đất “trái đường kép” khi tỉnh Ðiện Biên đã là một tỉnh hẻo lánh, không có cao tốc, hệ thống giao thông còn hạn chế, hiểm trở, lên Tủa Chùa cũng là đường cụt “đi vào rồi phải quay ra”! Hiện tuyến đường Na Sang - Huổi Mí - Tủa Chùa - Huổi Lóng đang được thi công nhưng trước mắt cũng chỉ tiếp cận gần hơn với quốc lộ 6. Nhiều ý kiến cho rằng “giá mà có cây cầu bắc sang huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) thì khả năng kết nối của huyện sẽ cao hơn nhiều, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp nói riêng sẽ thuận lợi hơn. Ngoài ra, khó khăn về yếu tố tích tụ đất đai để hình thành một vùng sản xuất thực thụ cũng là nguyên nhân khiến nông nghiệp của huyện khó phát triển.

Theo chia sẻ của cơ quan chuyên môn huyện Tủa Chùa, ngành đang tham mưu cho huyện tập trung vào một số cây, con chủ lực để phát triển, nâng tầm sản phẩm. Ngoài ra, với đặc điểm đất đai, khí hậu, ngành Nông nghiệp định hướng tham mưu phát triển vùng cây dược liệu và trồng cây mắc ca. Tùy theo đặc điểm sinh trưởng của cây sẽ quy hoạch vùng sản xuất (cây thích hợp khí hậu lạnh sẽ ở các huyện phía Bắc, cây nhiệt đới ở các xã phía Nam). Còn về định hướng cụ thể, chi tiết thì phải đợi khi nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp của huyện được ban hành.

Ðến thời điểm này, huyện Tủa Chùa chưa ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, vì vậy, những ý kiến tham mưu, đóng góp bằng cả tấm lòng, niềm tâm tư, tình cảm, sự nhiệt huyết dành cho vùng cao nguyên này là rất cần thiết, để Tủa Chùa không chỉ có sỏi đá cô đơn.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top