Hợp tác xã nông nghiệp

Chất lượng dịch vụ hạn chế

08:55 - Thứ Năm, 24/09/2020 Lượt xem: 4823 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng trong việc cung ứng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng và thực hiện quản lý, điều hành sản xuất như: Tưới tiêu, bảo vệ đồng ruộng, phòng trừ sâu, bệnh, dịch hại... Tuy nhiên, theo phản ánh của thành viên (trước là xã viên) tại một số hợp tác xã, thì chất lượng các dịch vụ chưa tương xứng với số sản phẩm (quy tiền) hàng năm phải nộp để duy trì các hoạt động trên.

Bà Lò Thị Ðinh, đội 15, xã Thanh Xương - thành viên HTX Dịch vụ kinh doanh tổng hợp - Nông lâm nghiệp xã Thanh Xương khắc phục diện tích lúa bị đổ do gió lốc.

Những năm gần đây, số lượng HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 152 HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, trong tổng số HTX nông nghiệp, số lượng các HTX nông nghiệp toàn xã (là những HTX được chuyển đổi từ Ban nông nghiệp xã sang hoạt động theo Luật HTX năm 2003 và đến nay chuyển đổi theo Luật HTX 2012) ngày càng giảm đi. Ðến nay, loại hình HTX này chủ yếu tồn tại địa bàn vùng lòng chảo huyện Ðiện Biên như các xã: Thanh Xương, Thanh Hưng, Noong Hẹt, Thanh Chăn... Nguyên nhân do cơ chế thị trường ngày càng thay đổi, hoạt động sản xuất, kinh doanh không còn phù hợp, khó cạnh tranh dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Thậm chí có xã tồn tại loại hình HTX này chỉ nhằm mục đích đạt tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất) trong chương trình xây dựng nông thôn mới! Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến loại hình HTX này ngày càng ít đi là do dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu các thành viên, dẫn đến nhiều hộ dân không tham gia HTX.

Bà Lò Thị Ðinh, đội 15, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) là thành viên của HTX Dịch vụ kinh doanh tổng hợp - Nông lâm nghiệp xã Thanh Xương, cho biết: Gia đình bà có 2.800m2 gieo cấy lúa, hàng năm phải đóng tổng số tiền gần 400 nghìn đồng (bao gồm các khoản tưới tiêu, bảo vệ nội đồng…). Tuy nhiên, theo bà Ðinh thì chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu. Ví dụ hàng năm đến mùa vụ gieo cấy, gia đình bà thường xuyên phải tự lo việc lấy nước về sản xuất trong khi đã đóng góp cho dịch vụ tưới tiêu. Vì vậy, thời gian qua HTX khó thu hút thành viên mới, thậm chí có thành viên xin rút khỏi HTX. Ðiển hình năm 2018, nhiều hộ dân đội 7 và đội 8 nộp đơn xin không tiếp tục tham gia thành viên HTX Dịch vụ kinh doanh tổng hợp - Nông, lâm nghiệp xã Thanh Xương.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lò Văn Bun, Giám đốc HTX Dịch vụ kinh doanh tổng hợp - Nông, lâm nghiệp xã Thanh Xương cho biết: HTX có 1.406 thành viên và được chia thành 23 đội sản xuất, với tổng diện tích trồng lúa nước do HTX quản lý là 540ha/năm. Các hoạt động của HTX hiện nay chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều  hành sản xuất và thực hiện 3 khâu dịch vụ hỗ trợ, không mang tính chất kinh doanh như: Cung ứng vật tư phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; giống cây trồng và thực hiện quản lý, điều hành sản xuất (tưới tiêu; bảo vệ đồng ruộng, phòng trừ sâu, bệnh, dịch hại trên cây lúa). Hàng năm, ngoài dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống thì dịch vụ quản lý, điều hành sản xuất trên cơ sở thống nhất của các thành viên HTX. Cụ thể, đối với quỹ giao thông nội đồng, mỗi vụ HTX thu 30kg thóc/ha quy theo giá thóc (có thể thay đổi theo từng năm); đơn cử giá thóc năm 2018 là 6.500 đồng/kg thì tổng thu là 105,3 triệu đồng. Ðối với quỹ bảo vệ đồng ruộng có mức thu tương đương với quỹ giao thông nội đồng. Số kinh phí này HTX chi hỗ trợ các đội sản xuất nạo vét, sửa chữa kênh mương, đường nội đồng và chi trả hợp đồng bảo vệ đồng ruộng. Ðối với việc người dân đội 7 và đội 8 xin rút khỏi thành viên HTX là chuyện bình thường, bởi theo quy định của Luật HTX năm 2012, không bắt buộc người dân phải tham gia mà chỉ tham gia trên tinh thần tự nguyện nếu họ thấy phù hợp và hiệu quả.

HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên), trước đây hoạt động hiệu quả, đem lại thu nhập đáng kể cho thành viên, tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên những năm gần đây, do thiếu vốn, sản xuất kinh doanh không có lãi, chậm đổi mới trong guồng quay cơ chế thị trường, cộng với sự thay đổi về cơ chế quản lý Nhà nước... khiến hoạt động của HTX gặp khó khăn. Hoạt động kém hiệu quả, thời gian qua HTX đã 2 lần xin giải thể nhưng phải giữ lại để đạt tiêu chí số 13 về xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, hiện nay HTX chủ yếu thực hiện một số khâu dịch vụ đầu vào cho sản xuất của hộ thành viên, dịch vụ đầu ra cho sản phẩm, việc phát triển ngành nghề chưa thực hiện được; một số khâu dịch vụ hoạt động mang tính hình thức, lợi ích HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều. Một số hộ thành viên cho rằng các dịch vụ như tưới tiêu, bảo vệ nội đồng (dịch vụ bắt buộc) chưa đáp ứng được yêu cầu người dân; dịch vụ cung ứng phân bón, giống, thuốc trừ sâu chưa đa dạng, phong phú như thị trường.

Có thể nói vai trò của HTX toàn xã là cầu nối giúp các hộ thành viên trong việc tín chấp vay phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống... với các công ty cung ứng, đồng thời HTX cũng là chỗ dựa để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của thành viên khi gặp rủi ro trong việc sử dụng phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật... Do đó việc hình thành HTX để quản lý, điều hành sản xuất và thực hiện một số dịch vụ hỗ trợ hộ thành viên trong sản xuất là rất cần thiết. Thế nhưng, để thu hút đông đảo người dân tham gia, bên cạnh nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, các HTX cần chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thành viên.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top