Kết nối cung cầu - hướng tiêu thụ nông sản

08:57 - Thứ Năm, 24/09/2020 Lượt xem: 3774 In bài viết

Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có trên 40 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có tiềm năng lợi thế phát triển. Trên cơ sở danh mục các sản phẩm thế mạnh đã được thống kê, tỉnh ưu tiên lựa chọn 15 danh mục sản phẩm nông nghiệp thuộc nhóm sản phẩm thực phẩm như: Bưởi đặc sản Ðoan Hùng, thịt chua Thanh Sơn, nếp Gà gáy Mỹ Lung, rau an toàn Tứ Xã, tương Dục Mỹ, khoai tầng vàng Thanh Sơn, mì gạo Hùng Lô, cá lồng sông Ðà Thanh Thủy… để tiêu chuẩn hóa nhằm phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, ứng với chương trình mỗi xã một sản phẩm. Ðây là nền tảng quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, cải thiện mức sống của người nông dân, xây dựng nông thôn mới bền vững. Trong hội nghị kết nối cung - cầu nông sản được tổ chức tại Phú Thọ vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Qua hoạt động kết nối cung cầu, doanh nghiệp tăng doanh thu và quảng bá được thương hiệu, người sản xuất có đầu ra ổn định, người tiêu dùng mua được hàng hóa chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ðó là những lợi ích mà các chương trình hợp tác thương mại kết nối cung cầu giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh bước đầu tạo dựng được trên thị trường.

HTX dịch vụ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao là một trong những đơn vị có số lượng sản phẩm đưa vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn trong và ngoài tỉnh tương đối lớn với khoảng 2,5 tấn/ngày. Giám đốc HTX Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ: Ðiều quan trọng nhất để tạo niềm tin đối với khách hàng cũng như tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngoài sự nỗ lực của chính các thành viên trong việc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, cam kết sản xuất các loại sản phẩm nông sản an toàn, đảm bảo theo yêu cầu của nhà phân phối thì công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm có vai trò quan trọng mở rộng thị trường, đưa sản phẩm vươn xa tới đông đảo người tiêu dùng.

Cũng từ sự quan tâm của các cấp, ngành, nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm được thực hiện với quy mô ngày càng đa dạng, mở rộng từ cấp tỉnh đến cấp vùng; có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà phân phối và người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm thế mạnh của tỉnh đã được quảng bá rộng rãi và từng bước thâm nhập các kênh phân phối hiện đại, có mặt tại một số thị trường lớn. Ngành Công Thương với vai trò chủ đạo, đã tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều chương trình, hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua các hội nghị kết nối cung - cầu, hội chợ, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, các điểm bán hàng Việt... Ðây là điều kiện để các doanh nghiệp, nhà sản xuất và nhà phân phối tăng cường sợi dây liên kết, tạo mạng lưới tiêu thụ nông sản bền vững. Ðồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa sở, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan tạo cơ hội hợp tác lâu dài. Từ đó, các bên có cơ hội giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, trưng bày, quảng bá nông sản đặc trưng đến với người tiêu dùng; giúp các bên hiểu rõ hơn năng lực sản xuất và khả năng phát triển thương mại đối với mỗi sản phẩm. Chỉ tính riêng năm 2019, các huyện, thành, thị trong tỉnh Phú Thọ đã tổ chức được 19 hội chợ với quy mô từ 80 - 350 gian hàng/hội chợ, tạo được 1.950 gian hàng và trên 1.350 lượt doanh nghiệp tham gia. Thông qua các chương trình kết nối, các kênh quảng bá, giới thiệu, đến nay đã có một số nông sản của tỉnh được đưa vào bán trong hệ thống siêu thị lớn như: BigC, Co.op Mart, Vinmart (Việt Trì), Aloha mall… và một số sản phẩm được kết nối đưa vào tiêu thụ tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm an toàn ở một số tỉnh, thành trên cả nước.

Ðể sản xuất phát triển bền vững, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thị trường, phù hợp với xu thế hoạt động thương mại hiện đại, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động thương mại truyền thống thì hoạt động thương mại điện tử cũng đã được tỉnh triển khai thực hiện. Hiện nay, Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả. Ðây là xu thế tất yếu và là phương thức giúp nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất, giảm chi phí giao dịch, tiết kiệm thời gian. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, với địa chỉ giaothuong.net.vn, đến nay, Sàn đã có 200 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đăng ký tham gia trưng bày, giới thiệu với tổng số 735 sản phẩm. Tại đây, người tiêu dùng được cung cấp đa dạng các thông tin về nông sản, thực phẩm an toàn để nhận biết và lựa chọn sử dụng những thực phẩm đảm bảo chất lượng. Thông qua sàn giao dịch, làm tăng sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời tạo sự kết nối chính những doanh nghiệp với nhau cũng như kết nối giữa cung-cầu, tiêu thụ hàng hóa. Kênh thông tin mua bán điện tử đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy kết nối tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn, nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng. Qua đó, phát huy vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đảm bảo lựa chọn các mặt hàng, đơn vị sản xuất khi hiện diện trên kệ hàng điện tử, thông qua sự giám sát của cơ quan chức năng địa phương và các sở, ngành cấp tỉnh.

T.K (theo baophutho.vn)
Bình luận
Back To Top